.

Thứ bảy, 27/04/2024 -11:16 AM

Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như thế nào?

 | 

Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, việc buộc các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như thế nào còn có nhiều vướng mắc. Xin nêu cụ thể 1 vụ án dân sự để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, trao đổi.

Cụ Nguyễn Văn An và cụ Đào Thị Bé là vợ chồng, sinh được 04 người con gồm: Nguyễn Thị Ca, sinh năm 1956; Nguyễn Thị Dần, sinh năm 1958; Nguyễn Thị Na, sinh năm 1964; Nguyễn Thị Mừng, sinh năm 1966.

Năm 1991 cụ An và cụ Bé mất, không để lại di chúc; di sản để lại là 1 thửa đất 360m2, giá trị 1.080.000.000đồng. Di sản hiện do anh Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1980 là con bà Dần đang quản lý, sử dụng.

Tháng 12/2019, bà Ca khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên. Quá trình giải quyết vụ án, bà Dần, bà Na, bà Mừng đều đồng ý chia di sản thừa kế. Quan điểm của bà Dần là phần của mình được chia đồng ý giao lại cho anh Thành được hưởng và tiếp tục được quản lý, sử dụng. Quan điểm của bà Na, bà Mừng là phần của mình được chia, đồng ý cho bà Ca được hưởng, quản lý, sử dụng.

Tòa án nhân dân huyện H giải quyết: Chia di sản thừa kế nêu trên làm 4 phần bằng nhau. Bà Ca, bà Dần, bà Na, bà Mừng mỗi người được 90m2 đất, trị giá 270.000.000 đồng. Do bà Na, bà Mừng cho bà Ca phần của mình được chia nên bà Ca được hưởng 270m2 đất, trị giá 810.000.000 đồng. Do bà Dần cho anh Thành phần của mình được chia nên anh Thành được hưởng 90m2 đất, trị giá 270.000.000 đồng.  

Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc anh Thành phải chịu 13.500.000 đồng. Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì bà Ca là người cao tuổi nên được miễn án phí.

Việc giải quyết án phí như trên, hiện có 03 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất:

Việc Tòa án nhân dân huyện H giải quyết án phí nêu trên là đúng quy định tại Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326, theo đó: “Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế”. Vì bà Ca được hưởng 03 xuất thừa kế, là người được miễn án phí nên được miễn án phí đối với toàn bộ số tài sản “được hưởng”.

Quan điểm thứ hai:

Việc Tòa án nhân dân huyện H giải quyết án phí nêu trên là không đúng quy định. Anh Thành phải được miễn án phí, vì anh Thành là người được nhận tài sản do bà Dần cho (của bà Dần được chia), mà bà Dần lại là người cao tuổi nên được miễn án phí. Anh Thành không phải là người “được chia, được hưởng”, người “được hưởng” tài sản theo Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326  phải là người đương nhiên được hưởng, không phụ thuộc vào ý chí của các đương sự khác. Còn bà Ca phải chịu án phí đối với phần của bà Na và bà Mừng đã cho. Vì bà Na, bà Mừng thuộc diện phải chịu án phí. Bà Ca chỉ được miễn án phí đối với phần của mình.

Quan điểm thứ ba:

Trong vụ án này Tòa án phải giải quyết về phần án phí theo hướng: Anh Thành phải chịu án phí đối với phần tài sản được hưởng. Còn bà Ca phải chịu án phí đối với phần của bà Na và bà Mừng đã cho vì bà Na, bà Mừng thuộc diện phải chịu án phí. Bà Ca chỉ được miễn án phí đối với phần của mình.

Quan điểm của cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi chia sẻ của các đồng nghiệp./.

Hà Thị Hải – Viện KSND TP Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,773,487
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.197.212

    Thư viện ảnh