.

Thứ bảy, 27/04/2024 -11:38 AM

Trao đổi về miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự

 | 

Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm.

Khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Với quy định này thì chủ thể được coi là “không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” ở đây được xác định có thể là “hành vi phạm tội” hoặc là “người phạm tội”.

Tại điểm a khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Như vậy, phạm vi của chủ thể được coi là “không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” được thu hẹp hơn, chỉ còn là “người phạm tội”.

Đây là một trong những nội dung mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999. Nội dung của điều luật được hiểu là sự chuyển biến tình hình ở đây không phải là sự chuyển biến về kinh tế, xã hội chung chung mà sự chuyển biến đó phải có mối quan hệ nhân quả với người đã thực hiện hành vi phạm tội, dẫn đến việc người đã thực hiện hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên trên thực tế, việc nhận định, đánh giá về sự “chuyển biến của tình hình” còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, sự chuyển biến này phải là sự đánh giá của Nhà nước, của cơ quan có thẩm quyền khi xem xét đánh giá về hành vi của một người cụ thể nào đó mà trước đây được coi là nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm, nhưng sau đó do sự chuyển biến tình hình, thay đổi về kinh tế, chính trị - xã hội..., nên người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Sự đánh giá này phải được quy định cụ thể trong văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tóm lại, các ý kiến này đều thống nhất rằng sự “chuyển biến của tình hình” ở đây là yếu tố mang tính chất xã hội, bên ngoài, và kết quả của sự chuyển biến đó là việc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Ngược lại, có quan điểm cho rằng sự “chuyển biến của tình hình” ở đây phải là sự chuyển biến mang yếu tố khách quan chứ không phải do sự chủ quan của người đó. Sự chuyển biến đó đã làm người đó mất đi khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Tôi cho rằng cần có văn bản hướng dẫn quy định này để việc áp dụng được thống nhất. Rất mong các đồng nghiệp tham gia đóng góp ý kiến./.

Vi Văn Cảnh- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,773,725
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.147.124

    Thư viện ảnh