ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -23:11 PM

Xác định tư cách tố tụng thế nào cho đúng?

 | 

Bộ luật hình sự 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung về tội phạm liên quan đến giao thông trong đó có tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự, nội dung điều luật này cụ thể như sau:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2……”

Thực tiễn xét xử vụ án liên quan đến lĩnh vực trên phát sinh trường hợp như sau: A có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ dẫn đến gây tai nạn; hậu quả gây ra làm 01 người chết (B) và 01 người bị thương (C); kết quả giám định thương tật của C là dưới 61% do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự với tình tiết “làm chết người”. Vậy, việc xác định tư cách tố tụng đối với C trong vụ án này như thế nào? Liên quan đến vấn đề này có 02 quan điểm:

- Quan điểm thứ nhất: Tư cách tố tụng của C là bị hại. Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự nêu khái niệm “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Trong vụ tai nạn giao thông trên, C đã bị thiệt hại về sức khỏe do hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ của A gây ra, do đó trường hợp này C đã bị thiệt hại do tội phạm gây ra nên C sẽ tham gia vụ án với tư cách tố tụng là người bị hại.

- Quan điểm thứ hai: Tư cách tố tụng trong của C là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo quan điểm này, hành vi của A cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” do hậu quả của A gây ra làm B chết nhưng hậu quả của A gây ra đối với C là tỷ lệ thương tật dưới 61 % nên không đủ định lượng cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Do đó, quan hệ giữa hành vi và hậu quả của A đối với C không phải mối quan hệ giữa bị cáo và bị hại trong Bộ luật tố tụng hình sự, C sẽ tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Việc xác định tư cách tố tụng trong vụ án hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vì liên quan đến vấn đề xác định quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng. Cụ thể:

+ Về quyền: ngoài các quyền cơ bản so với người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người tham gia tố tụng là bị hại còn có các quyền sau: Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị mức hình phạt; đối với quyền kháng cáo, bị hại được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

+ Về nghĩa vụ: Bị hại có thể bị dẫn giải trong trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình.

Theo quan điểm cá nhân tôi thì C sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vì mặc dù C bị thiệt hại do tội phạm gây ra, tuy nhiên, thiệt hại do A gây ra đối với C chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo như cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự, hơn nữa liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, C tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp.

Trên đây là quan điểm cá nhân tôi, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thị Dương Quỳnh- VKSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,839,007
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.1.100

    Thư viện ảnh