.

Thứ năm, 02/05/2024 -22:10 PM

Trao đổi bài viết: “Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án”

 | 

Sau khi nghiên cứu bài viết “Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án” của tác giả Trần Thu Hà và bài viết trao đổi của tác giả Nguyễn Đức Sơn đăng trên trang tin điện tử của Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 01/11/2017 và ngày 09/11/2017, tôi rất đồng tình với vấn đề tác giả nêu ra để trao đổi, vì tình huống này thường xuyên xảy ra trong thực tiễn.

Việc các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án là điều mà bất cứ Thẩm phán, Kiểm sát viên nào được phân công giải quyết vụ án đều mong muốn, bởi đã giúp các đương sự tìm ra được tiếng nói chung, một giải pháp để giải quyết vụ án phù hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm, tình cảm gia đình…Từ sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cũng là khép lại quá trình tố tụng kết thúc việc giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng có một số quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm xử hủy do việc đánh giá không đầy đủ về nội dung tranh chấp, về tài liệu, chứng cứ và các tình tiết trong hồ sơ vụ án nên không phát hiện được trong việc thỏa thuận của các đương sự đó có bên bị lừa dối, nhầm lẫn, bị cưỡng ép hoặc thỏa thuận đó đã vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Vì vậy để phòng tránh các sai lầm hay vi phạm pháp luật có thể xảy ra, tại khoản 2 Điều 213 và Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự qui định quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (do Thẩm phán hay Hội đồng xét xử ra quyết định) vẫn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Nguyễn Đức Sơn về tình huống mà tác giả Trần Thu Hà nêu, tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa (chưa đến phần tranh luận, đối đáp) các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật tố tụng của những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên vẫn phải phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như những vụ án xét xử thông thường khác, bởi vì:

Theo Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao qui định: Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn), sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật tố tụng của những người tham gia tố tụng và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Theo qui định này, nếu hiểu đơn giản thì cho rằng, chỉ khi các bên tranh luận, đối đáp (tranh tụng) xong, Kiểm sát viên mới phải phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, còn tình huống nêu là chưa qua thủ tục tranh tụng nên không phải phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Nếu hiểu theo ý này là chưa đầy đủ, vì thực chất việc các đương sự trình bày, tranh luận, đối đáp tại Tòa án đúng là căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét và đối chiếu với quy định của pháp luật để giải quyết tất cả các vấn đề cần giải quyết của vụ án, trong khi với tình huống nêu thì những vấn đề cần giải quyết thì các đương sự đã thỏa thuận được với nhau. Do vậy, mặc dù chưa đến phần tranh tụng, nhưng theo qui định tại Điều 21, Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự như các tác giả đã viện dẫn, theo tôi còn áp dụng khoản 4 Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự thì Kiểm sát viên vẫn phải phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án về việc có chấp nhận hay không chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Việc chấp nhận hay không chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự nghe thì rất đơn giản, nhưng với khoảng thời gian rất ngắn đang diễn ra tại phiên tòa thì để đưa ra ý kiến (quan điểm giải quyết vụ án) và chỉnh sửa văn bản phát biểu tại phiên tòa, đòi hỏi Kiểm sát viên phải bình tĩnh, nhanh nhạy, linh hoạt trong việc sâu chuỗi các tình tiết, sự việc, phân tích, lập luận, đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi phát biểu ý kiến tại phiên tòa, nhất là trong việc xác định sự thỏa thuận đó có bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hay không?. Việc xác định đó phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động của Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa. Nếu như không nghiên cứu kỹ hồ sơ và các tình tiết khác có liên quan đến vụ án; không chuẩn bị kỹ dự thảo bản phát biểu; không dự kiến trước các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa (qua nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phán đoán có thể có những tình tiết, tình huống phát sinh tại phiên tòa; căn cứ áp dụng cho từng tình huống…) và không có kinh nghiệm thực tiễn… thì việc xử lý tại phiên tòa sẽ gặp nhiều khó khăn và ngược lại nếu công tác chuẩn bị trước khi tham gia phiên tòa tốt sẽ rất thuận lợi cho việc xử lý tình huống nêu trên.

Thực tiễn qua công tác kiểm sátgiải quyết các vụ án ly hôn, Kiểm sát viên cần thận trọng, cân nhắc khi đưa ra ý kiến đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận trong trường hợp các đương sự vay nợ nhiều người mà thỏa thuận để một bên trả nợ hoặc có bản án chưa thi hành nghĩa vụ trả nợ, nhưng thỏa thuận để một bên được sở hữu toàn bộ tài sản của vợ chồng (tiềm ẩn thỏa thuận để trốn tránh trách nhiệm trả nợ) hay thỏa thuận phân chia nhà đất trong trường hợp có liên quan đất thừa kế của bố mẹ...; đối với vụ án chia thừa kế cũng cần chú ý trường hợp thỏa thuận phân chia di sản là tài sản trên đất, nhưng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất nằm trong quy hoạch phải giải tỏa nhưng chưa có kế hoạch giải tỏa hoặc thỏa thuận không nhận hưởng di sản thừa kế để để trốn tránh trách nhiệm trả nợ...

Với những nội dung chia sẻ nêu trên, mong là những gợi mở để Kiểm sát viên có những nhìn nhận sâu sắc hơn khi kiểm sát giải quyết từng vụ án cụ thể, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực nhiệm vụ được giao./.

                                                                   Nguyễn Thị Huệ- Phòng 10

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,818,482
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.98.108

    Thư viện ảnh