.

Thứ sáu, 03/05/2024 -17:06 PM

Hiểu việc xóa án tích như thế nào mới đúng?

 | 

Đến nay, một số quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 đã được thực hiện hơn hai năm. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc cần hướng dẫn để thống nhất trước khi Luật có hiệu lực. Đó là việc xác định trường hợp đương nhiên được xóa án tích.

Thông qua kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, chúng tôi thấy hai trường hợp sau đây còn có quan điểm khác nhau về cách tính xóa án tích như sau:

Trường hợp thứ nhất: Ngày 14/9/2010, Nguyễn Văn A bị kết án về tội đánh bạc với số tiền là 4.500.000 đồng. Sau đó, tuy chưa được xóa án tích, ngày 24/8/2012, A tiếp tục đánh bạc với số tiền 2.620.000 đồng và bị kết án 06 tháng tù về tội đánh bạc. A đã chấp hành xong hình phạt chính, chưa chấp hành hình phạt bổ sung. Ngày 24/8/2017, A tiếp tục có hành vi đánh bạc với số tiền 04 triệu đồng.

Trường hợp thứ hai: Ngày 07/10/2010, Nguyễn Văn B bị kết án về tội đánh bạc với số tiền 3.700.000 đồng. Sau đó, tuy chưa được xóa án tích, ngày 08/9/2013, B tiếp tục đánh bạc với số tiền 1.600.000 đồng và B bị kết án 04 tháng tù. B đã chấp hành xong hình phạt chính, chưa chấp hành hình phạt bổ sung. Ngày 24/8/2017, B tiếp tục có hành vi đánh bạc với số tiền 04 triệu đồng.

Qua hai trường hợp cụ thể nêu trên, đối chiếu với quy định của BLHS 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ có hai quan điểm về việc xử lý đối với A và B.

Quan điểm thứ nhất: Hành vi đánh bạc của A và B đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 BLHS năm 2015 do các bản án sau kết tội A, B đều căn cứ vào bản án trước đó của A và B nhưng chưa được xóa án tích. Quan điểm này lập luận như sau:

Điều 321 BLHS năm 2015 quy định cấu thành cơ bản có các tình tiết để định tội là: tiền hay hiện vật có giá từ 05 triệu đồng trở lên; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật này; đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, so với Điều 248 BLHS năm 1999 thì có sự thay đổi về cấu thành tội phạm ở tình tiết “tiền hay hiện vật có giá trị từ năm triệu đồng trở lên” còn các căn cứ khác không thay đổi. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, nếu không căn cứ vào số tiền đánh bạc thì ở lần phạm tội thứ hai, cả A và B đều đã bị kết án về tội đánh bạc, chưa được xóa án tích nên  A và B vẫn phạm tội đánh bạc và hành vi đánh bạc ngày 24/8/2017 đủ yếu tố cấu thành tội phạm này. Khi áp dụng tình tiết tăng nặng thì cả A và B đều thuộc trường hợp tái phạm.

Mặt khác, có thể vận dụng tương tự một trường hợp trong văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND tối cao Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ như sau: Trường hợp một người bị kết án về tội đánh bạc với số tiền là 4.500.000 đồng. Sau đó, tuy chưa được xóa án tích nhưng người này lại tiếp tục đánh bạc với số tiền 262.000 đồng nên bị kết án 04 tháng tù về tội đánh bạc (cả hai lần bị kết án đều trước ngày 09/12/2015, ngày BLHS năm 2015 được công bố) thì không được miễn hình phạt với lý giải rằng “cấu thành tội phạm của tội đánh bạc trong trường hợp này theo quy định tại Điều 321 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 248 BLHS năm 1999. Thời điểm xét xử lần hai về tội đánh bạc (trước ngày 09/12/2015), người phạm tội bị xác định là có tiền án về tội đánh bạc là đúng. Trong trường hợp này, họ không được miễn chấp hành hình phạt”. Như vậy, theo giải đáp trên, có thể hiểu người phạm tội không được miễn chấp hành hình phạt đồng nghĩa với việc họ chưa được xóa án tích.

Quan điểm thứ hai: Hành vi đánh bạc của A và B không đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc theo Điều 321 BLHS năm 2015 do điều luật đã có sự thay đổi về cấu thành tội phạm (giá trị tiền, hiện vật để đánh bạc là từ 05 triệu trở lên) nên các tiền án trước đó của A, B đương nhiên được xóa án tích. Quan điểm này lập luận như sau:

Tại điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội có quy định: Kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố (ngày 03/7/2017), không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi theo Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa; người đã chấp hành xong hình phạt, hoặc được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ, e khoản này thì đương nhiên được xóa án tích.

Như vậy, rõ ràng Điều 321 BLHS 2015 đã sửa đổi yếu tố cấu thành tội phạm (tình tiết giá trị tiền, hiện vật từ hai triệu đồng lên năm triệu đồng) nên nếu tính riêng từng lần phạm tội và đã bị kết án thì hành vi phạm tội của A và B trước đó đều không phải là tội phạm, các bản án đều đương nhiên được xóa án tích; tiền án 1 của A được xóa án tích thì không thể lấy đó làm tình tiết định tội cho tiền án 2 nên cũng đương nhiên được xóa tích; tiền án 1 của B được xóa án tích thì tiền án 2 coi như không phạm tội và đương nhiên được xóa án tích. Vì vậy, hành vi phạm tội ngày 24/8/2017 của A và B không cấu thành tội phạm.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, đây cũng là áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Rất mong nhận được sự phản hồi của bạn đọc./.

Lê Đình Luyện- VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,824,553
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.139.62.103

    Thư viện ảnh