.

Thứ hai, 06/05/2024 -12:38 PM

Nguyễn Văn A có phạm tội hay không?

 | 

Trong thực tiễn xử lý tội phạm “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” vẫn còn những quan điểm khác nhau. Sau đây là một trong những trường hợp đó.

Nội dung vụ án: Ngày 30/4/2017, Nguyễn Văn A đi chơi với Trần Văn B thì B nhận được điện thoại của bạn là Vũ Tiến D nói có chiếc xe mô tô cần cắm để lấy tiền đi chơi đồng thời nhờ B cắm hộ. A nhận được thông tin trên nên đã bảo B là A đang có tiền nếu D cần cắm thì đem xe đến. B gọi điện cho D đem xe đến chỗ A và B. Hai người kiểm tra thấy xe không có BKS, không có giấy tờ, ổ khóa điện đã bị chọc phá và số khung số máy đã bị tẩy xóa. A và B có hỏi giấy tờ và nguồn gốc xe thì D bảo là xe của D nhưng không có giấy tờ. D nói cần 2.000.000 đồng để đi chơi sau đó 02 ngày sẽ trả lại tiền và lấy lại xe về. A lấy 2.000.000 đồng đưa cho D và bảo “cho mượn 5 ngày nếu không có tiền trả sẽ bán xe”. D cầm tiền đi mua ma túy để sử dụng thì bị Công an bắt giữ. D đã khai đã trộm cắp chiếc xe mô tô của chị Lê Thị V ở cùng thôn (xe đang cầm cho A). Cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc xe của A để điều tra. Kết quả định giá kết luận chiếc xe mô tô trị giá 08 triệu đồng. Cơ quan điều tra khởi tố đối với D về tội “Trộm cắp tài sản”.  

Về xử lý hành vi của Nguyễn Văn A có 2 quan điểm như sau:

* Quan điểm thứ nhất: A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 Bộ luật hình sự. Bởi vì, A có hành vi cầm cố chiếc xe của D là tài sản do D trộm cắp. Khi cầm cố chiếc xe, A biết xe không có giấy tờ, biển kiểm soát, ổ khóa bị phá và số máy số khung bị tẩy xóa. Như vậy buộc A phải biết về nguồn gốc của chiếc xe là bất hợp pháp.

* Quan điểm thứ hai: A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 Bộ luật hình sự. Vì khi giao dịch cầm cố, A không biết rõ chiếc xe trên của D là do phạm tội mà có, mặc dù A có thể suy đoán, nhận thức được chiếc xe trên có thể do phạm tội.

Theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao hướng dẫn:“Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai và mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của đồng nghiệp.

                                           Giáp Văn Hùng- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,843,684
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.244.201

    Thư viện ảnh