.

Thứ hai, 06/05/2024 -21:43 PM

Một số vấn đề trong phần “những quy định chung” của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

 | 

Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12). Với 141 điều luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và bổ sung, thay thế, sửa đổi một số điểm, khoản, điều luật để việc áp dụng Bộ luật hình sự trên thực tiễn sẽ dễ dàng, thống nhất.

Qua nghiên cứu các quy định của BLHS năm 1999 (Luật hiện hành); Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 100) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12), thấy rằng, trong số các điều được sửa đổi, bổ sung lần này, có 19 điều thuộc phần “những quy định chung” của Luật số 12 có nội dung được sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, áp dụng, trong đó có một số vấn đề đáng lưu ý là:

1. Về nguyên tắc xử lý (Điều 3): Ngoài việc khoan hồng với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo…, Luật số 12 bổ sung nội dung nguyên tắc khoan hồng đối với người phạm tội đãtích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

Tương tự như vậy, khoan hồng đối với pháp nhân thương mại đã tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm (thay vì chỉ hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng) và ngay từ khi phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (thay vì chỉ trong quá trình giải quyết vụ án) như Luật số 100 để đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ hơn;

2. Về phân loại tội phạm (Điều 9): Luật số 12 bổ sung phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện để làm cơ sở áp dụng các quy định khác của Bộ luật hình sự;

3. Về hành vi  không tố giác tội phạm (Điều 19): Luật số 12 sửa đổi cơ bản ở khoản 3 liên quan đến trách nhiệm tố giác tội phạm của người bào chữa, theo đó, người bào chữa phải chịu TNHS khi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác do chính người mà mình bào chữa đã, đang và sẽ thực hiện, quy định như vậy đảm bảo điều luật ngắn gọn, dễ hiểu và cũng để nâng cao trách nhiệm tố giác tội phạm của người bào chữa, thực hiện nghĩa vụ công dân nói chung;

4. Về tình tiết giảm nhẹ (Điều 51): Đối với tình tiết ở điểm s, Luật số 12 bỏ từ hoặc  và thay vào đó là dấu phẩy “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” như luật hiện hành; đối với điểm t thì quy định cụ thể và mở rộng hơn thời điểm mà người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm để được coi là tình tiết giảm nhẹ (thay cụm từ  điều tra tội phạm bằng cụm từ trong quá trình giải quyết vụ án); đối với điểm x, chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ khi chính người phạm tội là người có công với cách mạng chứ không phải là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công như Luật số 100. Đây là những sửa đổi đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể, tránh việc nhận thức không đúng, dẫn đến lạm dụng khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này;

5. Về quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (khoản 3 Điều 54): Luật số 12 đã sửa đổi như BLHS hiện hành, đó là, Tòa án vẫn có thể quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt áp dụng là nhẹ nhất (nội dung này Luật số 100 đã không quy định);

6. Về việc không áp dụng thời hiệu thi hành bản án (Điều 61): Ngoài việc quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) của Luật số 100, Luật số 12 còn quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với khoản 3, 4 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và khoản 3, 4 Điều 354 (Tội nhận hối lộ) để góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay;

7. Về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66): Đây là điều luật mới so với Luật hiện hành. Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được Luật số 12 sửa đổi theo hướng thiết kế lại nội dung ngắn gọn hơn, quy định rõ điều kiện đối với từng loại tội đang chấp hành; bỏ đối tượng là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ; bổ sung đối tượng là người có công với cách mạng và quy định rõ những tội không được áp dụng;

8. Về xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71): Luật số 12 đã thiết kế lại nội dung thành 03 khoản theo hướng ngắn gọn hơn; bổ sung thời hạn được xóa án tích đối với người bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo;

9. Về các tình tiết giảm nhẹ áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 84): Đây cũng là điều luật mới, sửa đổi điểm d theo hướng mở rộng thời điểm và đối tượng mà pháp nhân tích cực hợp tác để được coi là tình tiết giảm nhẹ (từ khi phát hiện tội phạm chứ không chỉ trong quá trình giải quyết vụ án và với tất cả các cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm và giải quyết vụ án chứ không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng);

10. Về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự ( các Điều 93, 94, 95 ): Luật số 12 chủ yếu sửa đổi các điều này cho phù hợp với nội dung đã sửa đổi của Điều 92. Riêng Điều 94 (hòa giải tại cộng đồng) có bổ sung khoản 4 để tùy trường hợp, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, thời gian trình diện trước cơ quan có thẩm quyền, tham gia các chương trình học tập;

11. Về việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 100): Luật số 12 mở rộng điều kiện áp dụng hình phạt này đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (Luật số 100 chỉ là rất nghiêm trọng do vô ý);

12. Về việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 107): Luật số 12 sửa đổi theo hướng quy định rõ điều kiện đối với từng loại tội phạm và loại hình phạt đã áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; thời gian cụ thể tương ứng để tính được đương nhiên xóa án tích, tránh việc quy định chung chung;

13. Ngoài ra, Luật số 12 đã thiết kế lại một số điều, khoản đảm bảo ngắn gọn hơn như: Sửa đổi khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 14; Điều 76; khoản 2 Điều 91 theo hướng chỉ nêu và liệt kê điều luật, không nêu tên điều luật như Luật số 100.

Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu, áp dụng Luật số 12/2017/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc phần “những quy định chung” của Bộ luật hình sự năm 2015, xin trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguyễn Trường Thọ- VKS huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,846,944
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.77.114

    Thư viện ảnh