.

Thứ bảy, 04/05/2024 -07:16 AM

Một số kỹ năng kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

 | 

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), kể từ ngày 01/01/2014 việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND). Tương ứng với TAND có thẩm quyền thì Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp sẽ thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

 Ngày 20/01/2014, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định về "Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân". Trong đó tại Điều 4 Pháp lệnh quy định về: Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó.

Khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, cần chú ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, Kiểm sát việc nhận thụ lý hồ sơ (Điều 8 Pháp lệnh)

Khi kiểm sát thụ lý hồ sơ cần chú ý là thời hạn Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết chỉ là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Hồ sơ phải đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, Kiểm sát thông báo thụ lý (Điều 11 Pháp lệnh)

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo việc thụ lý bằng văn bản cho cơ quan đề nghị, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên và Viện kiểm sát cùng cấp.Văn bản thông báo thụ lý phải đầy đủ các nội dung:

1. Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

2. Tên Tòa án đã thụ lý hồ sơ;

3. Số, ngày, tháng, năm thụ lý hồ sơ;

4. Tên cơ quan đề nghị;

5. Họ và tên, địa chỉ của người bị đề nghị;

6. Biện pháp xử lý hành chính được đề nghị áp dụng.

Thứ ba, kiểm sát việc lập hồ sơ; nghiên cứu hồ sơ

Do Pháp lệnh số 09 không quy định về việc Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS để nghiên cứu mà chỉ quy định "Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó", do đó KSV được phân công cần chủ động bố trí để nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án. Khi nghiên cứu cần chú ý một số nội dung sau:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, nếu hồ sơ đề nghịviệc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chínhđầy đủ thì Thẩm phán phảira quyết định mở phiên họp; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ(Khoản 3 Điều 12).

- KSV cần nghiên cứu kỹ thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Luật xử lý VPHC để làm căn cứ kiểm sát việc chấp hành quy định về thời hiệu.

- Cần chú ý về đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡngquy định tại Điều 92; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộcquy định tại Điều 94;biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộcquy định tại Điều 96 Luật xử lý VPHC.

- Kiểm sát việc chấp hành quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị của cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định cụ thể tại Điều 97 Luật xử lý VPHC.

- Tài liệu trong hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền phải đầy đủ theo quy định, cụ thể:

+ Đối với biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Cần nghiên cứu kỹ quy định tại khoản 2 Điều 100 và Điều 99 Luật xử lý VPHC để làm căn cứ kiểm sát hồ sơ đề nghị; kiểm sát việc thực hiện quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bị đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 13 Pháp lệnh); quyền yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ của Thẩm phán (Điều 14 Pháp lệnh).

+ Đối với biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: Cần nghiên cứu kỹ quy định tại khoản 2 Điều 102, Điều 101 và Điều 118 Luật xử lý VPHC để làm căn cứ kiểm sát hồ sơ đề nghị; kiểm sát việc thực hiện quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bị đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 13 Pháp lệnh); quyền yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ của Thẩm phán (Điều 14 Pháp lệnh).

+ Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Cần nghiên cứu kỹ quy định tại khoản 2 Điều 104 và Điều 103 Luật xử lý VPHC để làm căn cứ kiểm sát hồ sơ đề nghị; kiểm sát việc thực hiện quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bị đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 13 Pháp lệnh); quyền yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ của Thẩm phán (Điều 14 Pháp lệnh).

Thứ tư, kiểm sát thành phần tham gia phiên họp

Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp(Khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh). Do đó KSV cần kiểm sát chặt chẽ các thành phần tham gia phiên họp khi nhận được quyết định mở phiên họp của Tòa án.

Theo quy định tại Điều 17 Pháp lệnh 09, thành phần tham gia phiên họp gồm:

1. Người tiến hành phiên họp gồm có Thẩm phán và Thư ký phiên họp.

2. Người tham gia phiên họp gồm có đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

 3. Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu đại diện cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, người giám định, người phiên dịch, chuyên gia y tế, giáo dục, tâm lý, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về các vấn đề có liên quan.

 Nếu Thẩm phán, Thư ký thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 Pháp lệnh thì phải từ chối, thay đổi. Do vậy Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ nội dung quy định này.

Thứ năm, kiểm sát trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp

Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp được quy định cụ thể tại Điều 20 của Pháp lệnh.

Tại phiên họp, sau khi đại diện cơ quan đề nghị, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Do đó tại các phiên họp, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật cả về trình tự, thủ tục và cả về nội dung quan điểm của VKS có hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Thứ sáu, kiểm sát biên bản phiên họp

Nội dung, hình thức biên bản phiên họp được quy định cụ thể tại Điều 21 của Pháp lệnh.

Sau khi kết thúc phiên họp, KSV cần đề nghị xem lại biên bản phiên họp, kịp thời yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung và ký xác nhận để đảm bảo biên bản phản ánh đúng nội dung, diễn biến tại phiên họp.

Thứ bảy, kiểm sát quyết định của Tòa án

Kết thúc phiên họp, Thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.Các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ phải đảm bảo căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh.

Các quyết định của Tòa án phải đảm bảo nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi cho VKS (Điều 24 Pháp lệnh). Do đó, sau phiên họp KSV cần chú ý kiểm sát chặt chẽ các nội dung trong quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo lãnh đạo, đề xuất biện pháp xử lý.

Thứ tám,Kháng nghị khi có vi phạm pháp luật

Viện kiểm sát có quyền kháng nghị các quyết định của Tòa án cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định (khoản 2 Điều 31 Pháp lệnh). Để thực hiện thẩm quyền kháng nghị cần nghiên cứu kỹ các Điều 30, 31, 32, 33 của Pháp lệnh, trong đó chú ý:

- Căn cứ kháng nghị: "Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật", cần chú ý về một số nội dung như: thời hiệu, đối tượngáp dụng biện pháp xử lý hành chínhcó đúng không; Quyết định của Tòa án sau khi kết thúc phiên họp có đảm bảo căn cứ, phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ không;...

- Quyết định kháng nghị phải nêu rõ lý do, căn cứ kháng nghị và phải gửi cho Tòa án đã giải quyết.

 - Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kháng nghị, Tòa án đã giải quyết phải gửi kháng nghị kèm theo hồ sơ cho Tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết.

Bùi Việt Hùng- Viện KSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,829,196
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.252.8

    Thư viện ảnh