.

Thứ ba, 30/04/2024 -02:02 AM

Vướng mắc, bất cập trong qui định của Bộ luật lao động về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

 | 

Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Nội dung của Bộ luật lao động năm 2012 đã có những bước tiến mới và cùng với Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội...đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề quan hệ lao động và tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam, đáp ứng một phần yêu cầu phát triển về thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, trong thực tiễn thi hành Bộ luật lao động cũng đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, sau đây là một ví dụ.

Trường hợp có căn cứ xác định người lao động khởi kiện đối với người sử dụng lao động quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ không đúng một trong các trường hợp theo qui định tại khoản 1 và cũng không đúng qui định tại khoản 2 (không báo trước) Điều 38 Bộ luật lao động. Tòa án đã giải quyết buộc người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ theo qui định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động (nhận người lao động trở lại làm việc và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm ý tế trong thời gian nghỉ việc cộng ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động) và khoản 5 Điều 42 Bộ luật lao động (bồi thường khoản tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước).

Tuy nhiên, nếu theo Điều 41 Bộ luật lao động qui định thì việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thực hiện không đúng Điều 38 (khoản 1, 2) đều là trái pháp luật và theo Điều 42 Bộ luật lao động qui định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì việc giải quyết của Tòa án như nêu trên là đúng (do khoản 5 nằm trong qui định của Điều 42), song không hợp lý vì: Người sử dụng lao động vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động (02 vi phạm) đều thuộc trường hợp trái pháp luật lẽ ra chỉ phải thực hiện 01 nghĩa vụ (theo qui định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động) mà không phải bồi thường theo khoản 5 Điều 42 Bộ luật lao động mới hợp lý, vì việc không báo trước cho người lao động không làm thiệt hại đến quyền lợi của người lao động và ngoài việc phải nhận người lao động trở lại làm việc, phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc, người sử dụng lao động còn phải trả cho người lao động thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; còn trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng qui định tại khoản 1, nhưng lại có vi phạm khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động về không báo trước cho người lao động. Việc người sử dụng lao động không báo trước (do dừng đột ngột) nên người lao động không tìm ngay được công việc khác phù hợp. Do đó, việc không báo trước sẽ làm ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, theo qui định tại khoản 5 Điều 42 Bộ luật lao động chỉ được áp dụng giải quyết trong trường hợp này mới đúng.

Như vậy, với nội dung qui định tại Điều 38, Điều 41, Điều 42 Bộ luật lao động là chưa chặt chẽ, chưa tách bạch về căn cứ xác định lỗi và điều kiện đơn được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động; Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có qui địnhvề giải quyết trongtrường hợp người sử dụng lao động đơn phươngchấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, nhưng có vi phạm về thủ tục không báo trước. Vướng mắc, bất cập nêu trên chưa được hướng dẫn kịp thời là khó khăn trong thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án lao động. Vừa qua, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản báo cáo đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSND tối cao nghiên cứu, giải đáp tháo gỡ khó khăn cho địa phương./.

Nguyễn Thị Huệ - Phòng 10

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,798,280
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.176.66

    Thư viện ảnh