.

Thứ ba, 30/04/2024 -03:48 AM

Tổng hợp bài viết trao đổi: Nguyễn Văn B có được hưởng tình tiết giảm nhẹ "tự thú" không.

 | 

Sau khi tác giả Trần Văn Trí có bài viết  "Nguyễn Văn B có được hưởng tình tiết giảm nhẹ "tự thú" không" đăng trên Trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 30/3/2017. Ban biên tập nhận được 2 ý kiến trao đổi, phản hồi của các đồng chí Dương Thị Hiếu- VKS huyện Việt Yên và Lưu Thị Lệ Phương-Phòng 12 VKSND tỉnh Bắc Giang.

Hai ý kiến phản hồi đều có chung quan điểm là Nguyễn Văn B được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự " tự thú" và " thành khẩn khai báo" quy định tại các điểm o, p Khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 với lập luận như sau:

Tại mục 7 Phần I của Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ giải thích rõ khái niệm " tự thú" như sau: Tự thú là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

Tại mục 5 phần I của Công văn 81 cũng nêu rõ: Mặc dù người phạm tội bị bắt quả tang, nhưng sau khi bị bắt đã khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì Toà án áp dụng tình tiết giảm nhẹ "thành khẩn khai báo" quy định tại điểm p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 cho họ.

Trong trường hợp tác giả nêu thì hành vi trộm cắp mô tô trị giá tài 25 triệu đồng  ngày 02/12/2015 của Nguyễn Văn B đã bị lực lượng Công an phát hiện, tại Cơ quan điều tra, B ngoài việc thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội ngày 02/12/2015 và còn tự khai ra 04 lần phạm tội trước đó vào các ngày 5/11/2015, 9/11/2015, 16/11/2015 và 29/11/2015, mà 04 hành vi phạm tội này là B tự mình nhận tội và khai ra, trong khi chưa ai phát hiện được B phạm tội.

Dẫn chiếu Công văn 81 của TAND tối cao nêu trên thấy trường hợp của B thỏa mãn các điều kiện để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm o, p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Mặt khác tại điểm h khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 giải thích khái niệm tự thú đólà việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Theo tinh thần Nghị quyết 109 ngày 27/11/2015, Nghị quyết 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội vẫn phải áp dụng những quy định có lợi của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đối với bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.

Do vậy, trong trường hợp nêu trên cần áp dụng cho Nguyễn Văn B được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm 0, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, để đảm bảo nguyên tắc pháp chế cũng như đảm bảo quyền lợi cho người phạm tội./.

Ban biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,798,792
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.182.105

    Thư viện ảnh