.

Thứ ba, 07/05/2024 -22:38 PM

Hiểu như thế nào cho đúng quy định về mức án phí dân sự sơ thẩm ?

 | 

Ngày 30/12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 (gọi tắt là Nghị quyết 326).

Quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về Hôn nhân và gia đình còn có một số nhận thức khác nhau về việc áp dụng mức án phí quy định tại Nghị quyết 326 nêu trên, tôi xin đưa ra  một ví dụ cụ thể để đồng nghiệp và độc giả cùng trao đổi:

Ngày 15/01/2017, Tòa án nhân dân huyện T thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình theo đơn khởi kiện của anh A xin ly hôn với chị B. Khi Tòa án thực hiện thủ tục hòa giải giữa anh A và chị B đã thỏa thuận được với nhau là đều đồng ý ly hôn; mỗi bên phải chịu án phí theo quy định. Tòa án đã lập Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành và ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự 12/2017/QĐST-HNGĐ ngày 12/02/2017 có nội dung công nhận thuận tình ly hôn giữa anh A, chị B; về án phí: Anh A, chị B mỗi người phải chịu 75.000đ (bẩy mươi năm nghìn đồng) án phí DSST.

Việc giải quyết án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp này, hiện có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất:

Việc Tòa án giải quyết anh A, chị B mỗi người phải chịu 75.000đ án phí DSST là đúng, vì theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 của Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án quy định:

“Điều 16. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh: 2. Trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì được xem là các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên tòa theo quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định)”.

Và theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết 326 quy định nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm: “7. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.

Quan điểm thứ hai:

Việc Tòa án giải quyết anh A, chị B mỗi người phải chịu 75.000đ là sai. Đúng phải là anh A, chị B mỗi người phải chịu 150.000đ (mức án phí DSST không có giá ngạch là 300.000đ theo Nghị quyết 326) vì: Theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết 326 quy định: Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể “5. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

a) Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhậhay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí;

Như vậy, việc hiểu “các bên” đương sự khác với “mỗi bên” đương sự phải chịu 50% mức án phí DSST (của 300.000đ) như thế nào để áp dụng cho thống nhất. Vấn đề này hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn áp dụng của cấp trên và ở mỗi đơn vị Tòa án còn áp dụng mức án phí khác nhau.

Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Rất mong nhiều ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp ./.

Giáp Thị Thủy - Viện KSND huyện Hiệp Hòa 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,855,480
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.149.254.35

    Thư viện ảnh