Trong thực tiễn áp dụng Điều 250 Bộ luật hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” vẫn còn những quan điểm khác nhau về áp dụng pháp luật khi xử lý tội phạm này.
Khoản 1 Điều 250 BLHS quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Trong thực tiễn áp dụng điều luật này vẫn xảy ra một số tình huống mà có nhận thức và quan điểm khác nhau, chủ yếu là về vấn đề xác định có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 BLHS hay không.
Ví dụ 1: Ngày 03/12/2015, Nguyễn Văn A- sinh năm 2000 trộm cắp 01 chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng. A bán chiếc xe máy cho Trần Văn B –sinh năm 1985. Khi giao dịch mua bán tài sản, A đã kể lại việc trộm cắp cho B. Mặc dù biết rõ chiếc xe máy là do A trộm cắp nhưng B vẫn mua.
Liên quan đến xử lý hành vi của Trần Văn B có 2 quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất: Cần phải xử lý B về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 BLHS. Vì hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” nhưng do A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ xử lý hành chính đối còn nếu không xử lý hình sự đối với B là bỏ lọt tội phạm.
- Quan điểm thứ hai: Không thể xử lý B về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Vì hành vi của A là không phạm tội “Trộm cắp tài sản” do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Vì người phạm tội theo Điều 250 BLHS khi người đó có hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Nghĩa là nếu giá trị của vật phạm pháp đủ để cấu thành cơ bản trong các điều luật tương ứng thì người thực hiện hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trong trường hợp này, tài sản mà A chiếm đoạt đã đủ định lượng cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” nên B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” mà không phụ thuộc vào việc xử lý đối với A.
Mặt khác, tại báo cáo tổng kết của TAND tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác xét xử năm 2012 nêu: Trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chiếm đoạt vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 BLHS.
Ví dụ 2: Ngày 02/12/2015, Phạm Văn C- sinh năm 1980 trộm cắp 01 chiếc điện thoại di động trị giá 1.500.000 đồng sau đó bán cho Vũ Văn Đ- sinh năm 1985. C nói cho Đ biết đây là tài sản trộm cắp. Mặc dù biết rõ chiếc điện thoại là do C trộm cắp nhưng Đ vẫn mua. Do C đã có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích nên tiếp tục bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”.
Liên quan đến xử lý hành vi của Vũ Văn Đ có 02 quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Vì Đ biết rõ chiếc điện thoại là do C trộm cắp nhưng vẫn mua. Mặt khác, hành vi của C đã bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”.
- Quan điểm thứ hai: Không thể xử lý Đ về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Vì C bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” là do có tiền án, còn tài sản mà C trộm cắp chưa đủ định lượng cấu thành tội phạm này.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, Điều 250 BLHS không quy định trong cấu thành cơ bản định lượng tài sản phạm tội nên chỉ cần đó là tài sản do phạm tội mà có là đã đủ dấu hiệu của tội phạm.
Khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” cũng không quy định định lượng tài sản khi chứa chấp, tiêu thụ. Do vậy khi áp dụng pháp luật về xử lý loại tội phạm này trên thực tiễn chắc chắn sẽ còn vướng mắc, không thống nhất cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Mong nhận được ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp./.
Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2, VKSND tỉnh