.

Thứ bảy, 04/05/2024 -09:59 AM

Tổng hợp trao đổi tội danh về bài viết Lý Đăng K phạm tội gì ?

 | 

Sau khi tác giả Nguyễn Văn Thế-Phòng 7 VKS tỉnh có bài viết trao đổi về xác định tội danh của Lý Đăng K đăng trên trang điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 13/3/2017. Ban biên tập nhận được 2 ý kiến trao đổi, phản hồi như sau:

>>> Lý Đăng K phạm tội gì ?

- Tác giả Đồng Tuấn Anh-Phòng 8 VKS tỉnh có quan điểm: Hành vi của Lý Đăng K không phạm vào các tội như tác giả đưa ra mà thỏa mãn cấu thành của tội phạm “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 BLHS. Bởi lẽ:

Thứ nhất, K đã vi phạm Luật giao thông đường bộ và bị Tổ công tác Đội cảnh sát giao thông Công an huyện B lập biên bản xử lý, mặc dù biên bản vi phạm đã được lập xong, chiếc xe mô tô trên đã do Công an huyện B quản lý nhưng xe vẫn đang dựng tại hiện trường vi phạm, chưa được đưa về trụ sở cơ quan công an có thẩm quyền để chờ xử lý, chưa có Quyết định (bằng văn bản) tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì xe mô tô vi phạm vẫn đang là tài sản thuộc quyền quản lý của K. Do đó sẽ không thỏa mãn các dấu hiệu đối với tội phạm xâm phạm sở hữu.

Thứ hai, K đã lợi dụng sơ hở của Tổ công tác để mở khóa điện nổ máy lấy xe mô tô bỏ chạy và tiếp tục tăng ga bỏ chạy làm đồng chí Cảnh sát giao thông bị ngã khi đồng chí này túm đuôi xe giữ lại. Hành vi của K với ý thức chủ quan là lấy lại chiếc xe mô tô của mình đang bị giữ để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành xử phạt vi phạm hành chính; hành vi này tuy không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực hoặc ép buộc Tổ công tác (những người đang thi hành công vụ) thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng là thủ đoạn khác nhằm mục đích ngăn cản, cản trở việc thực hiện công vụ của người thi hành công vụ.

- Tác giả Nguyễn Khắc Tú-VKS Lục Ngạn có quan điểm: Hành vi của Lý Đăng K phạm tội “Cướp giật tài sản” đồng thời bổ sung lập luận để xác định tội danh của K như sau:

Lý Đăng K lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản (trong trường hợp này là của Tổ công tác của đội Cảnh sát giao thông Công an huyện B) thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản sau đó tẩu thoát nhanh chóng. Hành vi của K cấu thành tội Cướp giật tài sản ngay từ khi ngồi lên xe, mở khóa, nổ máy và cho xe chạy mà chưa cần xét đến hành vi tăng ga sau khi đồng chí C túm được đuôi xe.

Hành vi của K tiếp tục ga khi đồng chí C đã túm được đuôi xe, làm đồng chí C tuột tay và ngã. Theo quan điểm của tôi, hành vi trên được coi là dùng vũ lực, là một hình thức tấn công để đồng chí C không thể ngăn cản K chiếm đoạt chiếc xe máy.         Hành vi này cần xem xét là tình tiết định khung tăng nặng “Hành hung để tẩu thoát”của tội “Cướp giật tài sản”.         

Ban biên tập tổng hợp

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,830,663
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.70.203

    Thư viện ảnh