.

Thứ hai, 06/05/2024 -02:09 AM

Trao đổi bài viết: “Hà Văn C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm hay không”?

 | 

Sau khi đọc bài viết “Hà Văn C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm hay không”? của tác giả Nguyễn Văn Thụ, đăng trên Trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 16/01/2017, tôi xin có ý kiến trao đổi như sau:

>>>Hà Văn C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm hay không ?

Qua nghiên cứu Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự, Nghị quyết liên ngành số 03/NQLN-VKS-CA-TA ngày 26/10/2016 của Liên ngành Viện kiểm sát - Công an - Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất mà tác giả đưa ra, tức là Hà Văn C đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 155 BLHS năm 1999. Việc truy tố C là thỏa mãn quy định của pháp luật. Bởi những lý do sau:

Theo điểm đ, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 thìcác tình tiết  “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật) thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/QH13 về việc lùi thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, trừ các quy định có lợi cho người phạm tội, đồng thời giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.

Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 đã liệt kê 195 điều luật của Bộ luật hình sự 2015 có lợi cho người phạm tội được áp dụng kể từ ngày 01/7/2016, theo đó chỉ có khoản 2 của Điều 190 BLHS năm 2015 (Khoản 2 Điều 155 của BLHS năm 1999 - Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) là quy định có lợi cho người phạm tội (bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính).

Như vậy, hành vi buôn bán 42 kg pháo nổ (số lượng lớn) của C được thực hiện sẽ vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự được theo Điều 155 BLHS năm 1999 và hướng dẫn của thông tư 06/2008.

Mặt khác, ngày 25/10/2016, Liên ngành Viện Kiểm sát - Công an - Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thống nhất trong thời gian chờ hướng dẫn của Liên ngành Trung ương, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vẫn áp dụng quy định của BLHS năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) để giải quyết các vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán pháp nổ; nếu hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ đủ định lượng để xử lý thì Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can; nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố thì vẫn kết thúc điều tra, truy tố chuyển Tòa án giải quyết. Do đó, hành vi Hà Văn C tàng trữ 42 kg pháo nổ ở nhà mục đích để bán kiếm lời đã đủ yếu tố cấu thành tội “Buôn bán hàng cấm” theo điều 155 BLHS 1999.

Tôi mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp.

Hà Thị Hiên- VKS huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,840,926
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.230.82

    Thư viện ảnh