.

Thứ tư, 08/05/2024 -02:16 AM

Giải quyết đơn của người dân như thế nào cho đúng?

 | 

Thời gian vừa qua, Viện KSND tỉnh B đã nhận được đơn của một số công dân là bị đơn trong các bản án dân sự phúc thẩm đã bị thi hành án xong nghĩa vụ về tài sản, sau đó Tòa án cấp Giám đốc thẩm xử hủy cả bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Khi Tòa án thụ lý giải quyết lại vụ án thủ tục sơ thẩm thì nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nay bị đơn làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành không đồng ý việc thi hành án của Cơ quan thi hành án, việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án. Trong những trường hợp này phải giải quyết đơn của người dân như thế nào có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tôi xin nêu một trường hợp cụ thể và hướng giải quyết theo quan điểm cá nhân để các đồng nghiệp cùng trao đổi:  

Theo quyết định của Bản án số 13/2012/DSST ngày 19/7/2012 của TAND huyện L và Bản án số 22/2013/DSPT ngày 22/3/2013 của TAND tỉnh B thì ông K (bị đơn) phải giao trả cho ông V (nguyên đơn) tài sản là quyền sử dụng đất có diện tích 300m2. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 04/3/2014, Chi cục thi hành án dân sự huyện L ra quyết định thi hành án số 99/QĐ- CCTHA theo đơn yêu cầu thi hành án của ông V. Quá trình thi hành án, ông V và ông K đều tự nguyện thi hành án. Ngày 07/5/2014 Chi cục thi hành án dân sự huyện L đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đo, giao tài sản theo quyết định của bản án, các bên đã giao nhận đủ số tài sản theo bản án đã tuyên và không có ý kiến gì khác.

Do ông K có đơn khiếu nại đối với bản án phúc thẩm, ngày 11/8/2015 TAND tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm số 04/2015/DS-GĐT xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, chuyển hồ sơ cho TAND huyện L giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Ngày 16/12/2015, TAND huyện L đã thụ lý vụ án. Đến ngày 19/01/2016, ông V làm đơn xin rút đơn khởi kiện. TAND huyện L cho rằng, nguyên đơn đã có đơn xin rút đơn khởi kiện, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến phản đối và cũng không có yêu cầu phản tố nên đã ra quyết định số 08/2016/QĐST-DS ngày 20/4/2016 về việc đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngày 16/6/2016, Viện KSND tỉnh B nhận được các đơn “Kiến nghị”; đơn “Đề nghị”  của ông K. Trong đơn ông K đã trình bày cho rằng, TAND huyện L ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không đúng quy định của pháp luật; TAND huyện L cố ý làm trái pháp luật. Ông đề nghị các cơ quan pháp luật đôn đốc Chi cục thi hành án dân sự huyện L tổ chức giao trả lại đất cho gia đình ông.

Theo quan điểm của tôi: Trong trường hợp nêu trên, theo quyết định giám đốc thẩm thì bản án phúc thẩm đã không còn hiệu lực nhưng đã bị thi hành, nên quyền lợi của ông K rõ ràng bị xâm hại; việc ông V được hưởng tài sản trở thành không có căn cứ pháp luật.

Việc cơ quan Thi hành án dân sự huyện L ra quyết định thi hành án sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, khi ông V có đơn đề nghị thi hành án và thực hiện việc giao tài sản cho ông V là đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 35, khoản 2 điều 36 Luật thi hành án dân sự. Nên việc ông K khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan thi hành án dân sự là không có cơ sở.

Việc Tòa án nhân dân huyện L ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là đúng với quy định tại điểm c khoản 1 điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 và quy định tại điểm a khoản 1 điều 24 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về  Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại thời điểm Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Bộ LTTDS chưa có quy định là đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm khi đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, nên việc Tòa án không giải quyết hậu quả việc ông K đã trả tài sản cho ông V là đúng (Bộ LTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định này). 

Do vậy, khi tiếp nhận các đơn nói trên của ông K và của các công dân khác có nội dung tương tự, cần hướng dẫn họ làm đơn đến Tòa án khởi kiện vụ án tranh chấp đòi tài sản với địa vị tham gia tố tụng có sự hoán đổi từ bị đơn của vụ án trước nay chuyển thành nguyên đơn và ngược lại.

Rất mong nhận được ý kiến tham gia trao đổi của các đồng nghiệp./.

Lưu Thị Lệ Phương - Phòng 12

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,856,067
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.138.138.144

    Thư viện ảnh