.

Thứ ba, 07/05/2024 -17:33 PM

Lỗi thường gặp của Tòa án cấp sơ thẩm dẫn đến bị sửa án.

 | 

Trong thực tế khi xét xử các vụ án dân sự, hành chính, Tòa án cấp sơ thẩm cơ bản đã căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật để xem xét, giải quyết tất cả các yêu cầu của đương sự. Nhưng vẫn còn có một số vụ án, đương sự đã rút một phần yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án không quyết đình đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đương sự đã rút, dẫn đến Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa án sơ thẩm. Sau đây xin nêu một ví dụ:

Nội dung vụ án: Ngày 28/9/2007, gia đình bà H được UBND huyện Y cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 036657, diện tích 210m2 đất ở tại thị trấn N, huyện Y.

Ngày 18/11/2010, UBND huyện Y ban hành Quyết định số 337/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ bà H. Lý do thu hồi: Do sạt lở tự nhiên và để thực hiện dự án xử lý khẩn cấp, chống sạt lở.

Ngày 28/10/2011, UBND huyện ban hành Quyết định số 3607/QĐ-UBND về việc thu hồi đất bổ sung. Theo đó, hộ bà H bị thu hồi 80m2 đất đã bị sạt lở, để thực hiện dự án. Ngày 28/10/2011, UBND huyện ban hành tiếp Quyết định số 3607/QĐ-UBND về việc thu hồi bổ sung đối với 130m2 đất thổ cư của hộ bà H (phần chưa sạt lở).

UBND huyện Y đã bồi thường cho gia đình bà H một lô đất diện tích 90m2, 47.760.800đ tiền tài sản trên đất bị thu hồi, 20.000.000đ tiền hỗ trợ khác. Đối với 130m2 đất nhà nước thu hồi, UBND huyện đền bù cho gia đình bà H 130.000.000đ, nhưng bà H không nhất trí nên không nhận tiền.

Sau đó, bà H (là chủ hộ, đại diện hộ gia đình) đã có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên bố các hành vi hành chính của UBND huyện Y thực hiện không đúng các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất của gia đình bà. Hành vi hành chính này là bồi thường không đủ, thiếu diện tích, tự ý bỏ ra ngoài phương án diện tích đất ở 120m2 không bồi thường cùng các chính sách hỗ trợ khác; tuyên Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 02/12/2011 của UBND huyện Y về việc giao 90m2 đất cho gia đình bà để thực hiện dự án sạt lở bờ hữu sông Thương là trái quy định của pháp luật, khi không bồi thường 120 m2 đất ở; hủy Quyết định 3608/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 của UBND huyện Y về việc phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; buộc UBND huyện Y phải thực hiện việc bồi thường 120m2 đất còn thiếu cho gia đình bà (120m2 x 600.000 đồng/1 m2= 720.000.000 đồng ) và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác cho gia đình bà theo quy định của pháp luật; buộc UBND huyện Y thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh mà đã bị ngừng sản xuất kinh doanh bằng 30%/1 năm thu nhập sau thuế là 84.000.000 đồng.

UBND huyện Y có quan điểm: Việc bà H đề nghị cấp một lô đất diện tích 120m2, UBND huyện không đồng ý vì UBND huyện thu hồi 130m2 đất ở, giá thời điểm thu hồi là 1.000.000đ/m2 bằng 130.000.000đ, huyện đã trả bà H tiền nhưng bà H không nhận. Đồng thời UBND huyện đã giao cho gia đình bà H 01 lô đất tái định cư có diện tích 90m2 tại thị trấn và không thu tiền sử dụng đất, gia đình bà H đã nhận diện tích đất này. Đối với tài sản trên đất của các hộ bị sạt lở hết xuống sông, UBND huyện đã bồi thường, hỗ trợ đầy đủ, đúng qui định của pháp luật nên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của gia đình bà H.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà H tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện về buộc UBND huyện Y thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh mà bị ngừng sản xuất kinh doanh bằng 30%/1 năm thu nhập sau thuế là 84.000.000đ.

Tòa án cấp sơ thẩm xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của hộ gia đình bà H, bà H kháng cáo.

Sau khi xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thấy không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo của bà H nên Tòa án cấp phúc thẩm xử bác yêu cầu kháng cáo của bà H và đã sửa bản án sơ thẩm với lý do: Tại phiên tòa sơ thẩm, bà H tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện về buộc UBND huyện Y thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh mà bị ngừng sản xuất kinh doanh bằng 30%/1 năm thu nhập sau thuế là 84.000.000đ. Bản án sơ thẩm có nhận định, đánh giá về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của bà H, nhưng không quyết đình đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của bà H là giải quyết không đúng qui định tại khoản 2 Điều 146 Luật tố tụng hành chính năm 2011 (nay là khoản 2 Điều 173 Luật tố tụng hành chính năm 2015)./.

Nguyễn Thị Huệ- Phòng 10, Viện KSND tỉnh

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,853,943
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.200.211

    Thư viện ảnh