.

Thứ tư, 08/05/2024 -08:22 AM

Trao đổi bài viết: “Hành vi của Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay không”?

 | 

Sau khi đọc bài viết “Hành vi của Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay không”? của tác giả Đoàn Thế Đức, đăng trên Trang tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 17/8/2016, tôi xin có ý kiến trao đổi như sau:

>>> Hành vi của Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay không ?

Qua nghiên cứu Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất mà tác giả đưa ra, tức là Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B được đương nhiên xóa án tích. Bởi những lý do sau:

Thứ nhất, theo khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 quy định: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng... xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. BLHS năm 2015 đã được công bố ngày 09/12/2015 nhưng chưa có hiệu lực thi hành theo Nghị quyết 144 nói trên.

Tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 quy định: “Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm… xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích”.

Điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 cũng quy định kể từ ngày 01/7/2016 “Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.

Thứ hai,thế nào là “có lợi” trong các quy định nêu trên? Theo tôi, “các quy định có lợi cho người phạm tội” được hiểu là các quy định mà theo đó, khi áp dụng đối với người phạm tội sẽ giúp họ được hưởng một tình tiết giảm nhẹ mới, miễn trách nhiệm hình sự, được áp dụng một hình phạt nhẹ hơn hay đương nhiên xóa án tích… Cụ thể trong trường hợp này, nếu áp dụng quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999 thì tại thời điểm phạm tội mới ngày 10/02/2016, Hoàng Văn A, Nguyễn Văn B chưa được xóa án tích ở tất cả các bản án và lần phạm tội này thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”, các bị can sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 248 BLHS 1999. Tuy nhiên nếu áp dụng quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 thì Hoàng Văn A, Nguyễn văn B đương nhiên được xóa án tích và cả 2 bị can chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 248 BLHS 1999. Như vậy, rõ ràng việc áp dụng quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 để xử lý A và B chính là áp dụng “các quy định có lợi cho người phạm tội”.  

Trên đây là quan điểm cá nhân tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.

Đồng Thị Toàn- Viện KSND Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,857,314
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.27.244

    Thư viện ảnh