.

Thứ năm, 02/05/2024 -20:57 PM

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng CNTT tại Viện KSND tỉnh Bắc Giang.

 | 

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu của CNTT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đã đem lại không ít những thành công và hiệu quả to lớn.

CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Ứng dụng CNTT vào việc tổ chức hội nghị trực tuyến

Những năm gần đây, hoạt động ứng dụng CNTT của Viện kiểm sát nhân dân(VKSND) tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tiến bộ. Chỉ số ứng dụng CNTT không ngừng được cải thiện. Năm 2014, VKSND tỉnh Bắc Giang xếp hạng 25, đến năm 2015 đứng thứ 5 toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Hạ tầng CNTT ngày càng được quan tâm đầu tư, một số phần mềm, sáng kiến đã được triển khai và đạt hiệu quả cao như: Trang tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; phần mềm quản lý cán bộ, công chức; phần mềm quản lý đối tượng tạm giữ, tạm giam và chấp hành án phạt tù; phần mềm thi đua khen thưởng…Đặc biệt là hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến và camera quan sát các phiên toà. Đây là hai sáng kiến của VKSND tỉnh Bắc Giang và cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Kiểm sát nhân dân triển khai ứng dụng thành công, được VKSND tối cao nhân rộng điển hình ra toàn Ngành. Từ việc ứng dụng CNTT nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VKSND hai cấp; giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ngày càng hiệu quả, chặt chẽ, khoa học hơn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng hoạt động ứng dụng CNTT của VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật ở VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn còn thấp, chưa đồng bộ so với mặt bằng chung của ngành khác; các ứng dụng trong nội bộ quy mô nhỏ lẻ; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT; việc ứng dụng CNTT chưa đạt được yêu cầu tin học hóa các công việc xử lý hằng ngày và chưa gắn kết được với việc cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, tăng cường hiệu quả công việc; chất lượng của đội ngũ các bộ, công chức nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển về CNTT; một số đơn vị và cá nhân vẫn còn thụ động, ít chịu  đổi mới, chưa hình thành thói quen thường xuyên sử dụng, khai thác và trao đổi thông tin trên môi trường mạng; an toàn thông tin còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, các hệ thống CNTT trọng tâm của VKSND tỉnh Bắc Giang tuy đã được củng cố nhiều biện pháp kỹ thuật cơ bản, nhưng do lĩnh vực này liên tục phát triển nhanh nên các biện pháp khắc phục luôn bị lạc hậu so với thực tế.

Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao chất lượng hiệu quản hoạt động ứng dụng CNTT tại VKSND tỉnh Bắc Giang thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng CNTT; phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai các ứng dụng CNTT.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ứng dụng và phát triển CNTT chưa thể đạt được hiệu quả cao là do chưa nhận thức và  đánh giá chưa đúng vai trò của việc ứng dụng CNTT. Khi nhận thức chưa rõ, chưa thống nhất thì mọi nỗ lực đầu tư hoặc chính sách đưa ra đều có thể đạt hiệu quả thấp. Vì vậy, nâng cao nhận thức về  ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Để thực hiện được giải pháp này cần tập trung một số biện pháp cơ bản sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với phát triển CNTT, tạo bước chuyển biến từ nhận thức đến hành động tại các đơn vị trong ngành và trong cán bộ, đảng viên.

- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, phòng chống tội phạm, đảm bảo an toàn thông tin.

- Tổ chức các hội nghị triển khai các quan  điểm, chủ trương về ứng dụng CNTT.

- Tăng cường trang bị kiến thức về CNTT, kỹ năng sử dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức. Trong công tác  đào tạo cần lưu ý phân loại  đối tượng để có chương trình và nội dung đào tạo phù hợp.

- Tổ chức các phong trào, các hội thi ứng dụng CNTT cho cán bộ và lãnh đạo các đơn vị. Từ đó, khuyến khích tự nâng cao trình độ, nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các  đơn vị,  đồng thời tạo được môi trường học tập kinh nghiệm giữa các lãnh đạo nói riêng và các mô hình ứng dụng CNTT ở đơn vị nói chung.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để  ứng dụng CNTT có hiệu quả.

Ngày nay, cải cách hành chính nhà nước là một lĩnh vực được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm. Nhiều quốc gia coi cải cách hành chính là một yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thông qua cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; tăng khả năng phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu của ứng dụng CNTT trong hành chính Nhà nước là tạo ra một phương thức vận hành thông suốt, hiệu quả của bộ máy công quyền, thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin điện tử. Do vậy, các ứng dụng CNTT phải được thiết lập trên cơ sở "đơn đặt hàng" của bộ máy hành chính Nhà nước và nhờ tính năng đặc biệt của công nghệ mà những mục tiêu thiết lập một bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, năng động và chất lượng sẽ được thực hiện. Chính cải cách hành chính là chủ thể đưa ra mục tiêu, yêu cầu cho việc thiết lập các hệ thống CNTT. Mức độ cải cách sẽ quyết định quy mô, phạm vi ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước nói chung.

Một cách nhìn khác, chính ứng dụng CNTT sẽ là một trong các giải pháp nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính. Vì cải cách hành chính là nhằm đem đến tính hiệu quả, chất lượng trong cách thức hoạt động, điều hành của bộ máy hành chính Nhà nước và làm cho nền hành chính có khả năng kiểm soát lãng phí, thất thoát và tham nhũng. Điều đó đòi hỏi các hoạt động phải có quy trình hóa, phải rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, về các hoạt động và các mối quan hệ...

CNTT thực ra chỉ là công cụ, việc đầu tư mua sắm công nghệ là đơn giản và có thể dễ thực hiện; việc vận hành được công nghệ để khai thác hiệu quả hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước mới là quan trọng; điều này đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nghĩa là không ngừng cải cách hành chính. Cốt lõi của cải cách hành chính là thông tin, quy trình, thủ tục, con người...

Muốn thông tin trao đổi được với nhau cần thiết phải có những điều kiện kỹ thuật, những công nghệ, những con người nhất định; song cũng nhờ có cải cách hành chính nhiều công chức điện tử, nhiều sản phẩm ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước như trang thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng, hệ thống một cửa điện tử… được ra đời.

Ba là, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong một số lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Trước hết là việc tin học hóa một số lĩnh vực công việc cần thiết, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý nhà nước. Tin học hóa ở đây có thể hiểu là việc đưa các chương trình ứng dụng vào thực hiện các công việc như: điều hành, quản lý của lãnh  đạo, tác nghiệp của cán bộ, công chức và việc cung cấp thông tin, tương tác gữa cơ quan, đơn vị với người dân.

Hệ thống camer tự động quan sát các phiên toà 2 cấp tỉnh Bắc Giang

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách ứng dụng CNTT.

Đội  ngũ  cán bộ chuyên trách là  điều  kiện  để  đảm bảo cho việc ứng  dụng CNTT được ổn định và cải tiến thường xuyên. Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở  đây trước hết  là cán bộ lãnh  đạo  quản  lý CNTT chuyên  trách,  kế  đến  là  đội ngũ quản trị và lập trình chịu trách nhiệm phát triển các ứng dụng CNTT.

Trên thực tế, không có một ứng dụng hay phần mềm dùng chung nào  có thể sử dụng mãi mãi. Mặt khác, đi cùng với sự phát triển chung, các ứng dụng cũng cần phải thường xuyên được nâng cấp về tính năng, công  nghệ  và  bảo  mật.  Do đó, chỉ có một  đội ngũ chuyên gia CNTT chuyên trách mới có thể đảm bảo cho việc ứng dụng CNTT được ổn định và phát triển lâu dài. Chính vì vậy, cần phải có phương hướng đào tạo chuyên sâu với đội ngũ cán bộ hiện đang biên chế, đồng thời cần có hướng tuyển dụng mới cán bộ làm công tác này. Tuy nhiên, hiện nay chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ CNTT làm trong Ngành còn thấp so với người làm ngoài ngành, nên khó thu hút, tuyển dụng. Biện pháp cần thiết là thay đổi chế độ tiền lương, đề xuất hưởng chế độ phụ cấp đặc thù hoặc tạo điều kiện bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên, Kiểm sát viên để cán bộ chuyên trách CNTT được hưởng các loại phụ cấp này của Ngành nhằm tăng thêm thu nhập, khuyến khích, động viên cán bộ yên tâm công tác.

Năm là, đầu tư có trọng điểm để tạo sự đột phá trong việc ứng dụng CNTT.

Nguồn tài chính là yếu tố đầu tiên quyết định cho sự thành công hay thất bại của việc triển khai CNTT. Đầu tư phải  đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hàng năm dành cho CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân còn ít, do đó để việc đầu tư cho CNTT hiệu quả cần sử dụng nguồn vốn  đầu tư đúng chỗ,  đúng  mục  đích, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ địa phương, nguồn hỗ trợ các cơ quan tư pháp, nguồn phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương…

Để đảm bảo việc đầu tư cho ứng dụng CNTT có hiệu quả, trước tiên cần xác định lại các mục tiêu cho sát với yêu cầu của thực tiễn, tiếp  đến là xác  định các mục tiêu ưu tiên. Để làm được điều này, cần phải tăng cường học tập kinh nghiệm ở các địa phương đã triển khai thành công để chắc lọc những mô hình, phương pháp triển khai phù hợp với  điều kiện của mình. Thêm vào  đó, việc học tập kinh nghiệm nơi khác trong qúa trình triển khai có thể tránh lãng phí thời gian và hạn chế các rủi ro đến mức thấp nhất. Khi có  được lựa chọn phù hợp, trước khi triển khai các dự án CNTT cần tiến hành  khảo sát,  đánh  giá  lại hiện trạng  một cách toàn diện và chính xác hơn. Phải xác định được những gì đang có, những gì sẽ cần để có hướng đầu tư hiệu quả.

Sáu là, phát triển một số phần mềm theo xu hướng tích hợp

Một hạn chế lớn của các kế hoạch ứng dụng CNTT hiện nay thường là không có định hướng hay chiến lược và tầm nhìn hướng tới tương lai. Để hạn chế lạc hậu về công nghệ, các phần mềm, sáng kiến nghiên cứu triển khai cần phải phù hợp với xu hướng phát triển chung của CNTT như:

- Phát triển các chương trình ứng dụng cần xây dựng theo xu hướng web hóa. Các ứng dụng web được phát triển phải đáp ứng  được các yêu cầu về công nghệ web tiên tiến (như chuẩn web 2.0) và phải được kết hợp với một hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào đó (như: MySQL, PosgreSQL, Oracle, SQL Server…). Điều này sẽ đảm bảo cho việc phát triển các cổng thông tin tích hợp (portal) sau này.

- Xu hướng tích hợp và sử dụng giao diện mở: Ngày nay, CNTT đang phát triển theo xu hướng tích hợp, sử dụng các giao diện mở và ngày càng bớt lệ thuộc vào các nhà sản xuất công nghệ lớn. Phần mềm được xây dựng dưới dạng các đối tượng có chức năng thông qua các giao diện mở thuận tiện cho việc tích hợp và tiếp tục phát triển.

- Xu hướng phát triển và sử dụng mạng cục bộ không dây: Kết nối mạng không dây đang dần trở thành một xu thế hiện đại, bên cạnh các loại hình kết nối mạng truyền thống dùng dây cáp. Chất lượng tin cậy, hoạt động ổn định, thủ tục cài đặt đơn giản, giá cả phải chăng là những yếu tố đặc trưng chứng tỏ kết nối không dây đã sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu trao đổi thông tin khác nhau.

- Xu hướng di động hóa: Tầm quan trọng chiến lược của thông tin di động đang ngày càng được khẳng định khi việc sử dụng công nghệ vô tuyến và di động ảnh hưởng ngày càng mạnh đến việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ công ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Sự sẵn sàng của thông tin di động tạo ra cơ hội cung cấp các dịch vụ hành chính công bằng các giải pháp và ứng dụng di động.  Chính phủ điện tử di động đang trở thành làn sóng mới đối với việc ứng dụng CNTT và truyền thông trong quản lý hành chính.

- Xu hướng phát triển truyền thông đa phương tiện và hội tụ công nghệ thông tin - viễn thông - phát thanh và truyền hình: Xu hướng mạng viễn thông hiện nay là phát triển để hoà nhập được các dịch vụ thoại và dịch vụ số liệu trong một mạng viễn thông mới. Mạng số liệu và mạng điện thoại được hợp nhất sẽ cho phép tích hợp các dịch vụ đòi hỏi băng thông lớn, kéo theo sự hội tụ của truyền hình, đa phương tiện vào CNTT và truyền thông.

Để hoạt động ứng dụng CNTT đạt được hiệu quả, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan. Thủ trưởng đơn vị phải thường xuyên sâu sát, kiểm tra, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn cho công tác ứng dụng CNTT; tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cả về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Ứng dụng CNTT vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức. Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại VKSND tỉnh Bắc Giang sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải tiến hình thức cung cấp và trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của VKSND hai cấp, tăng tính minh bạch và sự tin cậy của người dân đối với ngành Kiểm sát nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng ./.

Nhữ Đức Dũng

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,818,155
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.239.195

    Thư viện ảnh