.

Thứ sáu, 17/05/2024 -17:36 PM

Trao đổi bài viết “Hành vi phạm tội của Phạm Trung C có thuộc trường hợp tái phạm hay không”.

 | 

Sau khi đọc bài viết “Hành vi phạm tội của Phạm Trung C có thuộc trường hợp tái phạm hay không” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên đăng trên trang tin điện tử Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 16/5/2016, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

>>> Hành vi phạm tội của Phạm Trung C có thuộc trường hợp tái phạm hay không?

Theo nội dung bài viết: Ngày 19/4/2000, Phạm Trung C bị TAND huyện Lục Nam xử phạt 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 28/9/2000, C thi hành xong hình phạt tù. Năm 2001, C đã bồi thường xong trách nhiệm dân sự cho người bị hại. Riêng phần án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm do Tòa án không chuyển bản án cho Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Lục Nam nên C không thi hành khoản này. Cơ quan thi hành án dân sự huyện xác nhận không nhận được bản án của TAND huyện mà chỉ nhận được bản án khi người bị hại có đơn yêu cầu thi hành án phải bồi thường thiệt hại nên không ra quyết định thi hành án phần án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm đối với C. Ngày 01/01/2015, Phạm Trung C có hành vi đánh bạc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự.

Theo tác giả, đối với bản án ngày 19/4/2000 thì C đương nhiên được xóa án tích nên hành vi phạm tội của C thời điểm này không thuộc trường hợp tái phạm, việc C chưa chấp hành phần án phí là lỗi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không ra quyết định thi hành án chủ động đối với C.

Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả, bởi các lý do sau:

Tại Điều 55, Điều 64 Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt quy định: Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và được áp dụng đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành vì bị bỏ quên hoặc bị thất lạc. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tại điểm a Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 28 Luật thi hành án dân sự quy định: Đối với bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Về nguyên tắc, các bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Do vậy, cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Thi hành án phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật để bảo đảm những người bị kết án phải thi hành đầy đủ các quyết định của bản án. Thực tế, trường hợp của Phạm Trung C chưa chấp hành án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm là do thiếu sót của cơ quan Tòa án không chuyển bản án cho cơ quan thi hành án dân sự nên không ra quyết định thi hành án được. Do đó, lần phạm tội này của C không thuộc trường hợp tái phạm.

Tôi mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của các đồng nghiệp.

Nguyễn Thị Nghĩa-VKSND huyện Tân Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,921,747
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.37.92

    Thư viện ảnh