.

Thứ hai, 06/05/2024 -08:11 AM

Một số bài học kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người

 | 

Trong những năm qua, tội phạm mua bán người, mua bán trẻ emxảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn biến phức tạp. Nhìn chung, số vụ án về loại tội phạm này được phát hiện, xử lý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là tương đối nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về mua bán người ngày càng tinh vi xảo quyệt, nhiều vụ có tổ chức chặt chẽ và chủ yếu vẫn là lừa gạt để đưa phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc bán làm vợ hoặc làm gái mại dâm. Bên cạnh thủ đoạn trên còn xuất hiện thủ đoạn phạm tội mới là các đối tượng tội phạm thỏa thuận với những nạn nhân đưa họ sang Trung Quốc lấy chồng hoặc bán dâm. Đặc biệt xuất hiện trường hợp nhiều nạn nhân thỏa thuận với các đối tượng phạm tội, đồng ý cho các đối tượng này đưa sang Trung Quốc bán làm vợ sau đó tổ chức trốn về Việt Nam để chiếm đoạt tiền của những đối tượng người Trung Quốc. Nhiều vụ án có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước với đối tượng người Việt Nam sinh sống ở Trung Quốc hình thành các đường dây mua bán người gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra tội phạm.

Nguyễn Văn Tùng  (phía trước) ở Yên Dũng, Bắc Giang bị đưa ra xét xử lưu động về tội mua bán người (nguồn Báo Bắc Giang Online)

Trước thực trạng về tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp nêu trên, Phòng 2 Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa hình sự Tòa án tỉnh Bắc Giang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án về tội mua bán người, mua bán trẻ em trong đó có nhiều vụ án có tính chất phức tạp đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Trong 5 năm qua, đơn vị đã thụ lý kiểm sát điều tra 36 vụ /72 bị can về các tội mua bán người, mua bán trẻ em. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 36 vụ /72 bị can. Viện kiểm sát đã truy tố 36 vụ/72 bị can; Tòa án đã xét xử 36 vụ /72 bị cáo, tỷ lệ giải quyết các vụ án này trong các giai đoạn đều đạt 100%.

Các vụ án được điều tra, truy tố, xét xử đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm; không có trường hợp nào bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại, không có vụ án nào Viện kiểm sát phải hoàn trả cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

Đơn vị đã tham mưu cho Lãnh đạo Liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tỉnh Bắc Giang đã xác định được 13 vụ án trọng điểm về tội mua bán người, lựa chọn đưa đi xét xử lưu động 09 vụ án đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho quần chúng nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác phối hợp giải quyết các vụ án mua bán người còn một số hạn chế tồn tại như: Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; số vụ án được đưa đi xét xử lưu động chưa nhiều.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, Phòng 2 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2015.

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án về tội mua bán người, Phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

- Một là, phải thực hiện nghiêm túc, kịp thời Kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống tội phạm buôn bán người, mua bán trẻ em của Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Bắc Giang và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định; thường xuyên quán triệt đến cán bộ, kiểm sát viên về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tội phạm mua bán người. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên trong công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này.

- Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án tỉnh Bắc Giang trong việc giải quyết các vụ án mua bán người nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng và có tính chất phức tạp, những vụ án có nhiều bị can, bị cáo….đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

- Ba là,phảităng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết các vụ án mua bán người, cụ thể:

Trong giai đoạn điều tra: Đã tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm này ngay từ đầu; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cùng cấp tiến hành phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm mua bán người đảm bảo chính xác, đúng pháp luật.

Phân công kiểm sát viên có năng lực và kinh nghiệm để thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người. Kịp thời nghiên cứu, phê chuẩn các lệnh, các quyết định của Cơ quan điều tra khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra trong việc điều tra, truy bắt, ngăn chặn tội phạm bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Quá trình kiểm sát điều tra  phải kiểm sát chặt chẽ và kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra để làm rõ hành vi phạm tội và các tình tiết liên quan của vụ án, Kiểm sát viên đã tích cực phối hợp với Điều tra viên tham gia các hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ như: Hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, nhận dạng, đối chất...đảm bảo cho việc điều tra khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Đối với những vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện phát hiện và khởi tố sau đó xác định thuộc thẩm quyền xử lý của cấp tỉnh thì đơn vị chủ động phối hợp Viện kiểm sát cấp huyện trong việc rà soát, đánh giá chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, kiểm tra đầy đủ thủ tục tố tụng sau đó đề nghị Cơ quan điều tra tiến hành sơ kết để Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Do vậy các trường hợp do cấp huyện khởi tố đều đảm bảo xử lý đúng pháp luật, đã hạn chế được các vi phạm, thiếu sót và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án trong giai đoạn điều tra, truy tố.

- Trong giai đoạn xét xử: Kiểm sát viên phải nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị đề cương xét hỏi, luận tội và những nội dung cần tranh luận tại phiên toà để chủ động tham gia xét hỏi và làm sáng tỏ vụ án, việc đề nghị xử lý về tội danh, hình phạt và những vấn đề khác của vụ án phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.

Bốn là, Lãnh đạo đơn vị phải tăng cường công tác chỉ đạo đối với Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Năm là,thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Lãnh đạo Viện và của Vụ nghiệp vụ VKSTC nhất là về đánh giá chứng cứ đối với những vụ án mua bán người có tính chất phức tạp, góp phần giải quyết các vụ án đúng pháp luật, không xảy ra oan sai.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người trong thời gian tới, đơn vị đề ra những giải pháp cơ bản sau:

- Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống tội phạm buôn bán người, mua bán trẻ em của Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Bắc Giang và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ Cơ quan điều tra và Tòa án tỉnh Bắc Giang trong việc giải quyết các vụ án mua bán người nhất là các vụ án có tính chất phức tạp, ántrọng điểm hoặc các vụ án được dư luận quan tâm.

-  Chú trọng phối hợp với Cơ quan điều tra trong việc phân loại, xử lý các tin báo tố giác tội phạm về tội mua bán người để đảm bảo việc khởi tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm ngay từ đầu.

- Phối hợp với Tòa án trong việc xét xử các vụ án mua bán người đảm bảo đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời; tăng cường hơn nữa việc phối hợp để đưa ra xét xử lưu động các vụ án mua bán người để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho quần chúng nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với các hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra trong các vụ án mua bán người nhất là các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo đơn vị đối với Kiểm sát viên; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người đảm bảo việc giải quyết vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc giải quyết các vụ án mua bán người trong thời gian tới./.

Nguyễn Ngọc Cường - P2

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,841,928
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.225.255.134

    Thư viện ảnh