.

Chủ nhật, 19/05/2024 -13:04 PM

Tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

 | 

Điều 49 Bộ luật hình sự, quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã quy định như sau:

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.

Thực tiễn áp dụng Điều luật này vào việc giải quyết các vụ án hình sự để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm vẫn còn vướng mắc. Thông qua vụ án trong thực tiễn sau sẽ làm rõ vấn đề này:

Ngày 16/11/2013, Hoàng Văn S-40 tuổi có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe máy trị giá 12 triệu đồng. Công an huyện H khởi tố, tạm giam S về tội trộm cắp tài sản. S đã có các tiền án cụ thể như sau:

- Năm 2008 bị Tòa án nhân dân huyện H xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản (trị giá 5.000.000 đồng).

- Sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Đến năm 2010, S lại trộm cắp tài sản (trị giá 14.000.000 đồng) và bị Tòa án nhân dân huyện H xử phạt 18 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, bản án này của Tòa án không nhận định và không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm theo điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS đối với S.

Sau khi vụ án được kết thúc điều tra, Viện kiểm sát có quan điểm chưa thống nhất về việc truy tố Hoàng Văn S về tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 hay Khoản 2 Điều 138 BLHS.

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của S bị truy tố theo Khoản 1 Điều 138 BLHS. Bởi lẽ:

Mặc dù S đã có 02 tiền án, đều chưa được xóa án tích nhưng bản án gần nhất (Bản án năm 2010) thì Tòa án không tuyên bố S là tái phạm.

Theo quy định tại Khoản Điều 49 Bộ luật hình sự thì chỉ người nào “Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý” mới được coi là tái phạm nguy hiểm; việc xác định tái phạm phải do Tòa án quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Bản án năm 2010 của Tòa án không xác định S tái phạm nên lần phạm tội này của S không coi là tái phạm nguy hiểm. Việc trước đây Tòa án tuyên S không tái phạm là lỗi của cơ quan Nhà nước, áp dụng nguyên tắc làm lợi cho bị can, bị cáo nên chỉ truy tố S theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của S bị truy tố theo Khoản 2 Điều 138 BLHS với tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm”. Bởi lẽ:

Mặc dù bản án năm 2010 của Tòa án không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm đối với S  nhưng thực chất của vấn đề là S đã có một tiền án chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội do cố ý. Vậy phải xác định trong lần phạm tội năm 2010 S là tái phạm.

Việc bản án năm 2010 của Tòa án không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm đối với S là vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng Bộ luật hình sự.

S đã 2 lần bị xét xử về tội do cố ý, đều chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội do cố ý. Vì vậy phải xác định lần phạm tội này của S là tái phạm nguy hiểm và phải truy tố theo Khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự.

Theo quan điểm của tôi, hành vi của Hoàng Văn S phải bị truy tố theo Khoản 2 Điều 138 BLHS với tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm”.                                                                  

Thân Mạnh Cường-Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,932,973
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.137.174.44

    Thư viện ảnh