.

Thứ ba, 07/05/2024 -09:20 AM

Có cần thiết phải trưng cầu giám định tâm thần hay không?

 | 

Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Vậy trường hợp người phạm tội do ảo giác vì sử dụng ma túy có cần thiết phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần hay không.

Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra một số trường hợp các đối tượng sau khi sử dụng ma túy làm mất khả năng kiểm soát về nhận thức và hành vi dẫn đến việc phạm tội. Tội phạm mà các đối tượng này gây ra chủ yếu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác như giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Điểm giống nhau trong các vụ án này là các đối tượng đều còn trẻ tuổi, sử dụng ma túy dạng “đá”. Sau khi sử dụng xong,các đối tượng bị chất ma túy kích thích gây ảo giác (thường gọi là ngáo đá) nên có cảm giác thấy mọi người như ma quỷ hoặc như bị người khác đuổi đánh...Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc các đối tượng gây ra hành vi phạm tội, tính chất, mức độ hành vi phạm tội thường quyết liệt, tàn bạo hơn các trường hợp phạm tội thông thường; khi được hỏi thì họ chỉ nhớ về việc sử dụng ma túy còn diễn biến hành vi phạm tội thì không nhớ hoặc không biết xảy ra như thế nào.

Vấn đề đặt ra là trong những trường hợp này thì có cần thiết phải trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can hay không. Có quan điểm cho rằng không cần thiết phải giám định thì vẫn có thể truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Vì căn cứ Điều 14 Bộ luật hình sự quy định thì người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Công tác giám định kỹ thuật hình sự (ảnh minh hoạ - nguồn Internet)

Theo quan điểm của tôi thì trong trường hợp này cần thiết phải trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can, bởi lẽ:

- Bộ luật tố tụng hình sự quy định các nguyên tắc cơ bản trong đó có nguyên tắc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

- Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Trong đó, Cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc phải chứng minh hành vi phạm tội của bị can thì còn phải làm rõ các yếu tố về lỗi, năng lực trách nhiệm hình sự, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.

- Thực tế trong các trường hợp phạm tội do ảo giác vì sử dụng ma túy, khi Điều tra viên lấy lời khai thì bị can khai rất chi tiết, rành mạnh, chính xác về hành vi sử dụng ma túy. Tuy nhiên khi hỏi về diễn biến việc thực hiện hành vi phạm tội thì họ lại không nhớ hoặc không biết rõ là đã thực hiện như thế nào. Vì vậy, cần thiết phải giám định để có căn cứ đánh giá lời khai đó của bị can có chính xác hay không.

- Kết quả giám định pháp y tâm thần sẽ làm cơ sở xác định bị can có bị mắc hội chứng nghiện ma túy và các chất tác động tâm thần khác hay không; trong khoảng thời gian diễn ra hành vi gây án và hiện tại, bị can có bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình hay không. Từ đó làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Kết quả giám định pháp y tâm thần là chứng cứ quan trọng để giải thích việc bị can thực hiện một loạt các hành vi thể hiện không bình thường như các trường hợp phạm tội thông thường khácđồng thời làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội; làm cơ sở để Tòa án xem xét, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xét xử.

Từ các phân tích và lập luận nêu trên, theo tôi thì cần thiết phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với trường hợp bị can phạm tội do ảo giác vì sử dụng ma túy nhằmđảm bảo cho việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.

Tôi mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Ngọc Cường

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,851,103
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.227.69

    Thư viện ảnh