Sắp đến ngày tròn 54 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/2014), với tôi cũng là hơn nửa chặng đường được vinh dự công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Niềm vui xen lẫn tự hào bởi cái duyên đã đưa tôi đến với ngành kiểm sát, được phục vụ, cống hiến trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Các đ/c lãnh đạo VKSND tỉnh chụp ảnh lưu niệm vơi các đ/c nữ cán bộ công chức
Thủa nhỏ, khi còn là học sinh cấp I, như bao bạn bè cùng trang lứa, ngoài giờ học tôi phải trông em, lớn lên tí chút là chăn trâu, cắt cỏ, nấu cơm phụ giúp gia đình. Thời gian để học bài không có nhiều, song với tôi, những quyển truyện được chúng tôi truyền tay nhau đọc như “Đội du kích Đình Bảng”, “Ti mua và đồng đội” tôi đã đọc thâu đêm, nghiến ngấu. Có thể nói, tấm gương dũng cảm, hy sinh của thiếu niên, nhi đồng trong những câu truyện tôi đã đọc là những khơi gợi đầu tiên về tình yêu quê hương, đất nước, con người, về hoài bão, ước mơ trong tôi được nhen lên từ đó. Nhưng thực lòng, lúc đó hoài bão, ước mơ là gì thì tôi chưa thể định hình rõ ràng mà chỉ đơn giản là muốn được làm cái gì đó, một công việc gì đó nhưng phải là mạnh mẽ, có ích. Vậy nên dù gia đình còn khó khăn nhưng tôi đã rất cố gắng học hành.
Thế rồi theo năm tháng tôi cũng học đến năm cuối cấp ba. Đợt sơ tuyển tại trường lấy vào ngành Công an, tưởng như được thỏa mãn ước mơ, nhưng thật tiếc năm đó họ không lấy nữ và rồi sau đó tôi đã thi vào trường Đại học nông nghiệp II cùng với mong muốn sau này trở thành cô kỹ sư nông nghiệp, được phục vụ ngay chính quê hương của mình. Nhưng rồi ước mơ ấy cũng không trở thành hiện thực.
Năm sau, tôi lại tiếp tục ôn thi lại. Nhưng quả thật sau một năm kiến thức đã mai một dần, tôi không dám mơ tới giảng đường đại học, bởi “giảng đường đại học cao vời vợi” nên đã tìm kiếm tên trường có hệ trung cấp, cao đẳng để đăng ký dự thi. “Trường cao đẳng kiểm soát Hà nội” ghi trong danh sách tuyển sinh năm đó (1982), là trường tôi đã chọn để dự thi. Lý do vì sao Kiểm sát lại ghi là “kiểm soát” tôi cũng không biết nữa, nhưng lại chính vì hai từ “kiểm soát” đó mà tôi đã chọn. Tôi cũng không nghĩ ngành tôi chọn là cơ quan pháp luật mà là cơ quan khác có chức năng nhiệm vụ không liên quan đến ngành pháp luật và chỉ đến khi nộp hồ sơ dự thi tại Ban tuyển sinh của huyện (sơ tuyển trên hồ sơ dự thi) thì tôi mới lơ mơ hiểu về ngành.
Gặp mặt chị em phụ nữ ngành KSBG nhân ngày 20/10
Đến hôm nay, tính ra tôi đã công tác trong ngành Kiểm sát được hơn 27 năm, nhìn lại cả chặng đường đã đi qua, tôi vẫn tin là con người ta, ngoài cái “số” (Định mệnh) còn có chữ “duyên”, kể cả duyên làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động. Không phải chỉ đến khi ra trường, công tác tại tại Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bắc Giang (nay là VKSND thành phố Bắc Giang) tôi mới say sưa với công việc này mà ngay từ khi bước chân vào trường Cao đẳng kiểm sát (tôi học hệ dài hạn tập trung), những bài học đầu tiên về khái niệm tội phạm, về bốn yếu tố cấu thành tội phạm như là những câu chuyện hay, đầy lý thú đúng như giấc mơ tôi ấp ủ thửa nhỏ hôm nào. Gần ấy năm công tác, đã trải qua các công việc như: Kiểm sát điều tra án hình sự, kiêm tổng hợp, thống kê án hình sự (2 năm ); công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động (hơn 25 năm), nhưng chưa bao giờ tôi lựa chọn công việc để làm, bởi với tâm niệm thật đơn giản là: Nếu mình tận tâm, say mê với công việc mình làm thì dù là làm bất cứ công việc gì thì cũng sẽ cho ta kết quả tốt.
Ham học hỏi, chịu khó suy nghĩ, tìm tòi để tích lũy kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và thận trọng trong giải quyết, xử lý công việc là những kinh nghiệm của tôi cùng với câu chuyện trên là dịp để tôi tâm sự, chia sẻ với các đồng nghiệp và các bạn trẻ mới vào ngành nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ngành KSND năm nay./.
Nguyễn Thị Huệ- Phòng 12