.

Thứ bảy, 27/04/2024 -05:06 AM

Việc xác định tội danh theo điều 248 và điều 249 của Bộ luật hình sự

 | 

Qua thực tiễn áp dụng Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 của Bộ luật hình sự vẫn còn những quan điểm khác nhau về việc áp dụng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc theo hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết để xác định tội danh.

          Tại Điều 2: Về một số quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự.

          1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là " với quy mô lớn:

          a) Tổ chức đánh bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

          b)...

          c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.

          2. Người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội " tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.

Ví dụ: Ngày 20/3/2013 Cơ quan điều tra Công an huyện B bắt quả tang tại tầng 2 nhà A, 4 đối tượng đang đánh bạc ăn tiền dưới hình thức đánh phỏm. Qua điều tra xác định tổng số tiền các đối tượng dùng vào đánh bạc là 34.000.000 đồng. A là chủ nhà cho các đối tượng đánh bạc để thu tiền hồ 50.000 đồng một đối tượng, A chưa có tiền án tiền sự về các tội quy định tại Điều 248 và Điều 249 BLHS. Trong quá trình đánh bạc không có sự rủ rê, cầm cố, canh gác...

Hiện tại đang có 02 quan điểm xác định tội danh đối với A.

Quan điểm thứ nhất: A phạm tội gá bạc vì theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 2 của Nghị quyết thì Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên. Trong vụ án này, tổng số tiền dùng vào đánh là 34.000.000 đồng. Vì vậy A phạm tội gá bạc.

Quan điểm thứ hai:A phạm tội Đánh bạc với vai trò là đồng phạm vì. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01 thì ngoài việc cùng một lúc cho từ 10 người đánh bạc trở lên hoặc cho từ 02 chiếu bạc mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; mặt khác tại khoản 2 Nghị quyết 01 quy định người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a, b, c khoản 1 của nghị quyết nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc . Trong vụ án này chỉ có 04 người đánh bạc và số tiền các đối tượng dùng để đánh bạc là 34.000.000 đồng, chưa đến 50.000.000 đồng nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với vai trò là đồng phạm.

Tôi đồng nhất với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ Tại điểm c, khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 01 quy định Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên. Trong vụ án này xác định đây là một lần đánh bạc của các đối tượng và số tiền dùng vào đánh bạc là 34.000.000 đồng.

Kiến nghị, đề xuất: Sửa đổi số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 điều 2 của Nghị quyết 01 là từ 2.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

Trên đây là một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các đối tượng có hành vi gá bạc; tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp để làm rõ hơn về nhận thức và cũng như việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án đánh bạc được chính xác.

Ngô Đức Nghiêm

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,770,982
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.197.123

    Thư viện ảnh