Ngày 15/3/2011, chị Yến có cho vợ chồng anh Lê, chị Nga vay 300.000.000đ; có viết giấy vay tiền; hẹn thời hạn trả là ngày 25/3/2011; trong giấy vay tiền không ghi lãi suất nhưng hai bên có thỏa thuận lãi suất là 2%/tháng. Khi vay tiền anh Lê, chị Nga có thế chấp cho chị 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 947588 ngày 19/6/2002 do UBND huyện H cấp cho hộ gia đình anh Lê. Đến hạn trả, anh Lê và chị Nga không trả tiền nên ngày 14/6/2011 anh Lê và chị Nga đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 623m2 đất thổ cư và đất vườn đã thế chấp cho chị Yến nhằm mục đích đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Hợp đồng chuyển nhượng đã được Văn phòng công chứng. Chị Yến đã nhiều lần đòi tiền nhưng anh Lê, chị Nga không trả. Nay chị Yến khởi kiện yêu cầu anh Lê, chị Nga trả cho chị số tiền gốc đã vay và tiền lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ ngày vay đến nay, nếu không trả được bằng tiền thì chị yêu cầu trả bằng tài sản đã thế chấp.
Anh Lê, chị Nga khai rằng anh Tuấn là hàng xóm của vợ chồng có hỏi vợ chồng cho mượn sổ đỏ để vay tiền trong 15 ngày thì trả. Vợ chồng anh, chị đã đồng ý thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký nhận vay tiền của chị Yến. Nay chị Yến đòi, vợ chồng đồng ý trả số tiền như đã vay nhưng xin được trả dần.
Giấy vay tiền thể hiện ngày 15/3/2011 anh Lê, chị Nga ký nhận vay của chị Yến 300.000.000đ, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 15/3/2011 đến ngày 25/3/2011.
Với nội dung vụ án trên, Tòa án nhân dân huyện H đã xử: Buộc vợ chồng anh Lê và chị Nga phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ cho chị Yến số tiền gốc là 300.000.000đ và tiền lãi là 81.000.000đ, tổng cộng cả gốc và lãi là 381.000.000đ. Chị Yến phải trả lại cho vợ chồng anh Lê, chị Nga giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp.
Sau khi xem xét bản án dân sự sơ thẩm nêu trên, nhận thấy khi giải quyết vụ án Tòa án nhân dân huyện H có những vi phạm về thủ tục tố tụng và vi phạm nội dung giải quyết.
Thứ nhất: Việc giải quyết yêu cầu của chị Yến đòi vợ chồng anh Lê, chị Nga trả tiền lãi tính từ ngày 15/3/2011 đến ngày xét xử thấy rằng: Hợp đồng vay tài sản giữa hai bên là hợp đồng vay tài sản có lãi (lãi thỏa thuận là 2%/tháng), có kỳ hạn. Nên căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự anh Lê, chị Nga phải trả tiền lãi vay trong hạn theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định (do các bên thỏa thuận lãi suất cao, vượt quá 150% mức quy định). Khi đến hạn anh Lê, chị Nga không trả tiền cho chị Yến nên theo quy định tại khoản 5 Điều 474, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự, thì tính từ ngày anh Lê, chị Nga vi phạm nghĩa vụ trả nợ đến ngày xét xử sơ thẩm thì anh Lê, chị Nga phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định (là 9%/năm tức là 0,75%/tháng). Việc Tòa sơ thẩm xác định lãi suất anh Lê, chị Nga phải trả theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản từ ngày vay (ngày 15/3/2011) đến ngày xét xử sơ thẩm là giải quyết không đúng quy định tại khoản 5 Điều 474; khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự và không đảm bảo quyền lợi cho vợ chồng anh Lê, chị Nga.
Hơn nữa, giấy vay tiền ngày 15/3/2011 có ghi thời hạn vay là 15 ngày kể từ ngày 15/3/2011 đến ngày 25/3/2011; anh Lê, chị Nga đều có lời khai thời hạn vay là 15 ngày; nếu tính từ ngày 15/3/2011 đến ngày 25/3/2011 thì chỉ là 10 ngày nhưng Toà sơ thẩm chưa làm rõ thời hạn trả nợ là 15 ngày kể từ ngày 15/3/2011 hay thời hạn trả nợ là ngày 25/3/2011 là không đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.
Thứ hai: Về giải quyết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chị Yến và vợ chồng anh Lê, chị Nga thấy rằng: Khi vay tiền anh Lê, chị Nga có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chị Yến nhưng không làm đúng các thủ tục về thế chấp theo quy định. Khi đến hạn trả nợ, anh Lê và chị Nga không thanh toán trả chị Yến được nên hai bên đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích đất đã thế chấp (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng tại Văn phòng công chứng Thăng Long). Tuy nhiên, theo lời khai của chị Yến, anh Lê và chị Nga thì hợp đồng chuyển nhượng này chỉ nhằm mục đích bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của anh Lê, chị Nga thì phải xác định đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do giả tạo (theo quy định tại Điều 129, Điều 410 Bộ luật dân sự).
Chị Yến khởi kiện yêu cầu nếu anh Lê, chị Nga không trả được tiền cho chị thì phải trả chị bằng tài sản đã thế chấp. Tòa sơ thẩm đã giải quyết anh Lê, chị Nga phải thanh toán trả chị Yến tiền và chị Yến phải trả lại anh Lê, chị Nga giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp. Như vậy, việc Tòa án có giải quyết về tài sản thế chấp nhưng Tòa lại không tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu là giải quyết không triệt để yêu cầu khởi kiện của chị Yến.
Ngoài những vi phạm trên, Toà sơ thẩm còn có 1 số thiếu sót như:Toà án tiến hành lấy lời khai của anh Lê, chị Nga tại gia đình anh Lê nhưng không có người làm chứng; không có xác nhận của UBND hoặc Công an xã nơi lập biên bản là vi phạm Khoản 2 Điều 86 BLTTDS; khi nhận đơn khởi kiện không thực hiện đúng quy định tại tiểu mục 6.2 mục 6 phần I Nghị Quyết số 02/12.5.2006 của Hội đồng Thẩm phán - Toà án nhân dân Tối cao; Bản án không ghi trích yếu bản án là thực hiện không đúng tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết 01 ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán - Toà án nhân dân Tối cao; không áp dụng căn cứ của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án để giải quyết án phí.
Từ những vi phạm, thiếu sót trên, Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị Tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng đã phân tích trên./.
Nguyễn Thị Huệ Anh