.

Thứ ba, 30/04/2024 -03:52 AM

Một số kinh nghiệm nhận diện vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết việc yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản

 | 

Kiểm sát việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu chứng cứ của Kiểm sát viên rất có ý nghĩa đến việc giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Thông qua công tác kiểm sát tôi thấy có một số dạng vi phạm của Tòa án nhưng không được kiểm sát viên phát hiện ban hành văn bản yêu cầu hoặc tham mưu lãnh đạo Viện ban hàn kháng nghị, kiến nghị. Sau đây tôi đưa ra một số ví dụ vi phạm như sau: 

1. Vi phạm khi Quyết định không mở thủ tục phá sản

Tháng 5 năm 2020 Anh A cho công ty TNHH một thành viên DL (viết tắt là công ty, do anh B là giám đốc) vay số tiền 01 tỷ đồng, thời hạn vay 3 tháng. Đến hẹn công ty không trả được nợ nên tháng 12 năm 2020 anh A khởi kiện ra Tòa án ND huyện yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty. Quá trình giải quyết Tòa án đã thu thập được tài liệu chứng minh Công ty có tài sản tại thời điểm yêu cầu mở thủ tục phá sản là công trình xây dựng và cây trồng gắn liền với diện tích 7.000m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp GCNQSD đất mang tên chủ sử dụng đất là công ty. Trong các năm 2016 đến quý 4/2020 có hoạt động, tiến hành các giao dịch qua Ngân hàng, có hoạch toán thuế.... Từ đó Tòa án đã nhận định, đánh giá, áp dụng pháp luật và xác định công ty không mất khả năng thanh toán nên Quyết định không mở thủ tục phá sản là không đúng về trình tự tố tụng và nội dung giải quyết, cụ thể là:   

Thứ nhất: Trước khi thụ lý Tòa án phải thực hiện quy định tại Điều 37 Luật phá sản, khi các đương sự không thương lượng được việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc hết thời hạn thương lượng thì Tòa án mới thực hiện việc thụ lý để xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tòa án không thực hiện mà chỉ có Thông báo về quyền, nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết phá sản gửi các bên đương sự là vi phạm.  

Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 5; Điều 6 Luật phá sản thì: Tòa án phải yêu cầu Công ty thực hiện việc thông báo cho các chủ nợ (nếu có) về việc anh A có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty. Tuy nhiên Tòa án không thực hiện là  vi phạm.

Thứ ba: Về khả năng thanh toán của công ty

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Như vậy dấu hiệu để xác định công ty mất khả năng thanh toán là công ty không thanh toán được khoản nợ khi đến hạn là khoản nợ không có bảo đảm và bị chủ nợ không có bảo đảm đòi thì xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;

Quá trình giải quyết Tòa án không được căn cứ vào khoản nợ của công ty là ít hay nhiều, mà căn cứ vào khả năng trả nợ của công ty vào thời điểm chủ nợ là anh A yêu cầu; khi công ty mất khả năng thanh toán không đồng nghĩa với việc công ty đó không còn tài sản để trả nợ, có thể còn hoặc có nhiều tài sản tuy nhiên tài sản đó lại không thể bán để trả nợ được.….Tòa án căn cứ vào các biên bản xác minh, thu thập các tài liệu từ Ngân hàng và Chi cục Thuế xác định Công ty vẫn đang hoạt động, có tài sản nên còn khả năng thanh toán khoản nợ cho anh A từ đó ra Quyết định không mở thủ tục phá sản là trái với quy định tại khoản 1 Điều 4 nêu trên.

Thứ tư: Tòa nhận định sai quan hệ tranh chấp  

Tòa án nhận định số tiền 01 tỷ đồng anh A cho công ty vay là nợ riêng của anh B là chưa đúng vì tại thời điểm các bên ký kết khế ước vay nợ thì anh B là giám đốc công ty, đại diện công ty ký kết giao dịch dân sự nên làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự từ thời điểm ký kết hợp đồng. Các thủ thể tham gia xác lập hợp đồng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, mục đích rõ ràng. Nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, do người đại diện theo pháp luật của công ty xác lập, thực hiện nhân danh Công ty theo quy định tại Điều 85 (đại diện của pháp nhân), 87 (trách nhiệm dân sự của pháp nhân), 116 (giao dịch dân sự) 137 (đại diện theo pháp luật của pháp nhân), Bộ luật dân sự năm 2015 thì phải xác định đây là khoản nợ của công ty, Tòa án nhận định và đánh giá, quyết định là khoản nợ riêng của anh A với anh B là không đúng. Hơn nữa, việc anh B không nhập quỹ và không hoạch toán kế toán theo quy định của pháp luật; không hoạch toán thuế mà chi tiêu cá nhân là quyền cũng là nghĩa vụ của anh B với công ty và được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật khác.Tòa án nhận định khoản nợ 01 tỷ đồng là khoản nợ không rõ ràng, không có căn cứ để xem xét chứng minh công ty lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán theo khoản 2 Điều 42 Luật phá sản là không đúng.

Hậu quả: Tòa án căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 8, khoản 2 Điều 9, Điều 37, khoản 2 Điều 40, khoản 5,khoản 6 Điều 42, khoản 3 Điều 43; Điều 44 Luật phá sản quyết định: Không mở thủ tục phá sản đối với Công ty là không đúng quy định của pháp luật.

 2. Vi phạm về kiểm kê tài sản khi Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản

Giải quyết việc Yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản giữa cá nhân với công ty, Tòa án sử dụng các tài liệu về kiểm kê tài sản, tổng hợp các khoản nợ phải trả, khoản nợ phải đòi do công ty tự lập, cung cấp cho Tòa án là không đúng mà cần phải chỉ định và yêu cầu Quản tài viên tiến hành kiểm kê, xác định giá trị tài sản và tổng hợp các khoản nợ để đảm bảo tính chính xác, khách quan theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Luật phá sản. 

3. Vi phạm việc đánh giá chứng cứ khi Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản

Tòa án sử dụng báo cáo tài chính (chưa được kiểm toán) của công ty nộp mà không xác minh đối chiếu báo cáo tài chính, báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán để làm rõ thực trạng tài chính của công ty trước khi Quyết định tuyên bố doanh nghiệp (công ty) phá sản là đánh giá chứng cứ không đúng.

4. Vi phạm trong việc xác định các khoản nợ có đảm bảo và đưa thiếu người tham gia tố tụng  khi Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản

Trong quá trình giải quyết việc yêu cầu Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản, Khi quản tài viên lập danh sách các chủ nợ thì Tòa án phải đưa các chủ nợ đó tham gia tố tụng. Mặc dù có thể các chủ nợ hoặc người mắc nợ của doanh nghiệp không hoặc chưa phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp khi doanh nghiệp đang trong thủ tục phá sản nhưng Tòa án cần phải làm rõ các quan hệ vay nợ, thế chấp giữa doanh nghiệp với các chủ nợ, người mắc nợ có đảm bảo tính pháp lý hay không, vì có thể các mối quan hệ vay nợ sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội, hoặc có liên quan đến người thứ ba.

Trên đây là một số kinh nghiệm nhận diện vi phạm của Tòa án khi giải quyết việc yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Rất mong các đồng nghiệp cùng trao đổi./.

Giáp Thị Thủy- Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,798,814
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.191.169

    Thư viện ảnh