.

Thứ bảy, 04/05/2024 -22:38 PM

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố

 | 

Thời gian qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát được thực hiện chặt chẽ, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra. Quá trình giải quyết tố giác, tin báo của cơ quan chức năng cơ bản được thực hiện theođúng quy địnhcủa pháp luật, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn một số vi phạm, thiếu sót: Quá trình kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chưa áp dụng hết các biện pháp điều tra, chưa tích cực thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ bản chất vụ việc; chưa đánh giá đúng, đầy đủ chứng cứ dẫn đến có vụ việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin chưa đảm bảo căn cứ, cần phục hồi để tiếp tục điều tra, xác minh.  Chậm hoặc không đôn đốc cơ quan, tổ chức thông báo kết quả giám định, kết luận định giá tài sản, kết quả ủy thác điều tra... để làm căn cứ giải quyết nguồn tin. Chậm tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh, chậm ra Quyết định trưng cầu giám định, Yêu cầu định giá, văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản ủy thác điều tra... dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Chưa tích cực tiến hành các hoạt động xác minh, truy tìm đối tượng đối với những trường hợp không lấy được lời khai do người bị tố giác, người liên quan không có mặt tại địa phương. Việc xác minh có vụ việc chưa đảm bảo như: chỉ xác minh đối với chính quyền địa phương, không xác minh tại gia đình đối tượng; chỉ xác minh tại địa chỉ thường trú, không xác minh tại địa chỉ đối tượng tạm trú hoặc đã từng cư trú trước khi bỏ đi khỏi địa phương, địa chỉ nơi làm việc. Chưa thực hiện rà soát, đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên trước khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BNN&PTNN-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ... Để nâng cao chất lượng công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh tội phạm trong tình hình mới, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, bài viết xin được đưa ra một số giải pháp như sau:

(1)  Ngay sau khi cơ quan điều tra thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (viết tắt là vụ việc), cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc phải sớm ban hành yêu cầu xác minh, trong đó chú ý yêu cầu thực hiện ngay các hoạt động sẽ phải chờ nhiều thời gian mới có kết quả như trưng cầu giám định, định giá tài sản, thu giữ thư tín, điện tín, yêu cầu cơ quan tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ… để tránh tình trạng hết cả thời hạn gia hạn giải quyết vụ việc vẫn chưa có kết quả thực hiện các hoạt động trên phải ra quyết định tạm đình chỉ, việc này sẽ gây ảnh hưởng tới thời gian dành cho các hoạt động xác minh khác phát sinh từ kết quả của các hoạt động trên. Sau khi ban hành yêu cầu xác minh, cần bám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, nội dung, kết quả thực hiện các hoạt động này. Thường xuyên, chủ động phối hợp chặt chẽ với cán bộ, Điều tra viên để nắm và kịp thời yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu để kiểm sát ngay sau khi Cơ quan điều tra thu thập được.

(2) Ngay sau khi nhận được các tài liệu, chứng cứ từ Cơ quan điều tra, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công phải tích cực, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, trong đó cần xem xét kỹ lưỡng các thông tin, dữ liệu trên các tài liệu, chứng cứ đã thu giữ được như: Tin nhắn Zalo, tin nhắn SMS, list điện thoại, nhận chuyển tiền trên tài khoản ngân hàng, nội dung file ghi âm đã dịch đánh máy ra giấy, âm thanh, hình ảnh trên file camera… Trên những tài liệu, chứng cứ dạng này thường có những thông tin, dữ liệu quan trọng liên quan đến vụ việc nằm xen lẫn rất nhiều thông tin, dữ liệu bình thường không liên quan đến vụ việc, do vậy đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải chịu khó đọc, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, chắt lọc thông tin, dữ liệu để làm cơ sở ban hành yêu cầu xác minh lần tiếp theo nhằm yêu cầu Cơ quan điều tra nhanh chóng, kịp thời làm rõ các vấn đề cần chứng minh trong thời hạn giải quyết vụ việc.

(3) Tùy theo từng vụ việc, cán bộ, Kiểm sát viên cần ban hành nhiều bản yêu cầu xác minh với số lượng phù hợp, bám sát với tiến độ và kết quả xác minh thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra. Thời điểm tốt nhất để có thể ban hành bản yêu cầu xác minh tiếp theo là sau mỗi đợt Viện kiểm sát nhận được từ Cơ quan điều tra các tài liệu, chứng cứ quan trọng, mới thu thập được hoặc vào thời điểm Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ việc kèm theo công văn đề nghị gia hạn thời hạn giải quyết vụ việc sang Viện kiểm sát. Mục đích ban hành nhiều bản yêu cầu xác minh là để Cơ quan điều tra nắm và tổ chức tiến hành xác minh làm rõ và kịp thời thu thập triệt để các chứng cứ buộc tội, gỡ tội đảm bảo đủ để giải quyết vụ việc, tránh để xảy ra trường hợp đã hết thời hạn giải quyết mà còn nhiều nội dung chưa được xác minh làm rõ, không có đủ căn cứ ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án và cũng không có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo đúng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự, phải tìm cách tạm đình chỉ sai căn cứ hoặc để quá hạn giải quyết vụ việc.

(4) Khi gặp những vụ việc có dấu hiệu khó khăn, vướng mắc trong việc ra quan điểm giải quyết (khởi tố hay không khởi tố hoặc có căn cứ tạm đình chỉ hay không) thì cán bộ, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết cần chủ động trao đổi, lắng nghe, ghi chép lại quan điểm của cán bộ, Điều tra viên, của lãnh đạo Cơ quan điều tra (nếu có) để về báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo, sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện thì cán bộ, Kiểm sát viên mới trao đổi lại cho Điều tra viên biết quan điểm của Viện kiểm sát.

 (5) Trong công tác phối hợp với Cơ quan điều tra xử lý vụ việc có khó khăn, vướng mắc: trước hết cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần chủ động trao đổi Điều tra viên nội dung 2 bên cùng báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách trực tiếp, lãnh đạo Cơ quan điều tra phụ trách trực tiếp để thống nhất ý kiến chỉ đạo, nếu vẫn không giải quyết được thì cần báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát cho ý kiến chỉ đạo. Tùy từng trường hợp, 2 bên có thể phối hợp làm công văn trao đổi quan điểm hoặc tổ chức họp liên ngành. Nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp vẫn không thống nhất quan điểm giải quyết được thì có thể thực hiện hoạt động thỉnh thị theo ngành dọc hoặc thỉnh thị liên ngành cấp trên. Các hoạt động phối hợp này cần phải chú trọng chuẩn bị thực hiện sớm, thực hiện theo đúng quy định và trong thời hạn giải quyết vụ việc, hạn chế tối đa việc lợi dụng ra quyết định tạm đình chỉ, nhất là tạm đình chỉ sai căn cứ nhằm “câu thời hạn” kéo dài thời gian xử lý dứt điểm vụ việc.

(6) Khi vụ việc có căn cứ, dấu hiệu cần phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết vụ việc, cán bộ, Kiểm sát viên cần chủ động phối hợp với Điều tra viên lập biên bản rà soát, đánh giá tài liệu chứng cứ theo đúng quy định tại khoản 2 điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNN-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy định về phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (viết tắt là Thông tư liên tịch số 01 năm 2020). Nội dung biên bản phối hợp rà soát, đánh giá tài liệu, chứng cứ phải đầy đủ, chi tiết theo đúng hồ sơ vụ việc, nêu rõ ràng quan điểm của Kiểm sát viên và Điều tra viên về việc tạm đình chỉ có đúng căn cứ hay không, tránh việc lập biên bản sơ sài mang tính hình thức.

(7) Việc xác định căn cứ tạm đình chỉ theo điểm b khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự cần phải được kiểm sát chặt chẽ ngay trong thời hạn giải quyết vụ việc. Nội dung yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án phải được thể hiện bằng văn bản dạng công văn hoặc biên bản tố tụng, nội dung yêu cầu phải rõ ràng cụ thể là tài liệu, đồ vật gì, thời gian, cách thức cung cấp cho cơ quan điều tra ra sao… Đảm bảo việc Cơ quan điều tra không ra yêu cầu cung cấp chung chung, đặc biệt là ra yêu cầu người tham gia tố tụng “cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội” của người bị tố giác, đây là yêu cầu trái luật bởi trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan tiến hành tố tụng không phải là trách nhiệm của người tham gia tố tụng.

(8) Đối với việc trước khi hết thời hạn giải quyết (kể cả đã gia hạn thời hạn giải quyết), chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra trao đổi quan điểm sẽ ra quyết định tạm đình chỉ với lý do người bị tố giác vắng mặt không biết địa chỉ ở đâu nên không lấy được lời khai. Đây không phải là căn cứ tạm đình chỉ theo đúng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp này phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đánh giá xem Cơ quan điều tra làm quyết liệt hết mọi biện pháp xác minh hay chưa, nếu chưa làm hết thì kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra có biện pháp khắc phục. Nếu đã làm hết mọi biện pháp xác minh mà ngoài lý do trên, không có căn cứ tạm đình chỉ vụ việc nào khác theo đúng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự thì phải phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện theo đúng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an để xem xét, quyết định không khởi tố vụ án, hạn chế tối đa việc ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc sai căn cứ, kéo dài việc xử lý vụ việc trong nhiều năm gây bất lợi cho người bị tố giác, hơn nữa còn gây ảnh hưởng xấu tới gia đình, người thân của người bị tố giác.

(9) Trường hợp vụ việc đã có đủ căn cứ khởi tố vụ án mà chưa đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án để chuyển sang giai đoạn điều tra, tránh để xảy ra việc lợi dụng căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ vụ việc nhằm “câu thời hạn” chờ bao giờ làm rõ căn cứ khởi tố bị can xong mới ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can cùng một thời điểm.

(10) Ngay sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc từ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần kiểm sát chặt chẽ căn cứ tạm đình chỉ, nếu việc tạm đình chỉ là không có căn cứ thì Viện kiểm sát cần ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp Quyết định tạm đình chỉ của Cơ quan điều tra là có căn cứ thì Viện kiểm sát cần phải bám sát các hoạt động tố tụng được phép thực hiện để giải quyết lý do tạm đình chỉ và định kỳ phối hợp rà soát theo đúng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 01 năm 2020 để kịp thời yêu cầu phục hồi giải quyết vụ việc khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Đặng Bá Hưng – Thanh tra – Khiếu tố, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,835,476
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.84.155

    Thư viện ảnh