.

Thứ ba, 07/05/2024 -22:09 PM

Về trách nhiệm bồi thường thương tích khi người bị hại tham gia bảo hiểm y tế

 | 

Do có mâu thuẫn từ trước, nên ngày 22/3/2022, Nguyễn Văn H, sinh năm 1996 ở thôn A, xã B, huyện C, tỉnh D dùng dao chém vào cẳng tay hai bên, vai, lưng, mông trái của anh Nguyễn Văn Đ phải điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức – Hà Nội từ ngày 22/3/2022 đến ngày 28/3/2022. Hậu quả, anh Đ bị thương, mức độ tổn hại sức khoẻ 25%. Anh Đ có đơn yêu cầu khởi tố, Cơ quan CSĐT Công an huyện C đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn H, về tội "Cố ý gây thương tích", quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS.

Quá trình điều tra xác định, viện phí, chi phí điều trị tại Bệnh viện là 9.800.0000 đồng, trong đó: Bảo hiểm chi trả 7.840.000 đồng, anh Đ chi trả 1.960.000 đồng. Anh Đ yêu cầu Nguyễn Văn H bồi thường viện phí, chi phí điều trị tại bệnh viện là 9.800.000 đồng và các khoản khác theo quy định của pháp luật, với tổng số tiền là 20.800.000 đồng. Bị can H cho rằng khoản tiền bồi thường là quá cao nên không đồng ý, đề nghị các cơ quan pháp luật giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án còn có 2 quan điểm khác nhau trong việc xác định số tiền bị can H phải bồi thường cho anh Đ, như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Trong tổng số tiền 9.800.000 đồng viện phí, chi phí điều trị tại bệnh viện nêu trên, bị can H chỉ phải bồi thường 1.960.000 đồng là số tiền thực tế anh Đ đã chi trả, còn số tiền 7.840.000 đồng mà bảo hiểm chi trả, bị can không phải bồi thường.

- Quan điểm thứ hai: Bị can H phải có nghĩa vụ bồi thường cho anh Đ toàn bộ số tiền viện phí, chi phí điều trị tại bệnh viện là 9.800.000 đồng.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai:

Bởi lẽ, do hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn H khiến anh Nguyễn Văn Đ phải điều trị thương tích, thiệt hại thực tế là 9.800.000 đồng (viện phí, chi phí điều trị khi nằm viện) và các khoản khác theo quy định của pháp luật.

+ Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, quy định:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa …”

+ Căn cứ tiểu mục 1.1 mục 1 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quy định về cách xác định thiệt hại như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: … tiền viện phí …”. (Nghị quyết 03 đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2023, tuy nhiên chưa có Nghị quyết thay thế nên tinh thần vẫn áp dụng Nghị quyết trên);

 Mặt khác: Việc anh Đ được bảo hiểm chi trả theo hợp đồng bảo hiểm giữa anh và cơ quan bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm nên anh Đ được hưởng trong một giao dịch khác. Bị can không liên quan đến việc anh Đ nộp tiền bảo hiểm nên không thể được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm. Chính vì vậy các khoản tiền viện phí, chi phí điều trị là chi phí hợp lý trong việc điều trị thương tích của anh Đ, nên bị can phải có trách nhiệm bồi thường.

Thông qua công tác thực tế, tác giả nghiên cứu và trao đổi trong việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự trong vụ án hình sự. Rất mong được trao đổi và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp, cũng như đề xuất sớm được cấp có thẩm quyền quan tâm trong việc hướng dẫn kịp thời áp dụng pháp luật về nội dung này./.

Thân Văn Mạnh- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,855,359
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.89.24

    Thư viện ảnh