.

Thứ sáu, 26/04/2024 -09:19 AM

Trong trường hợp nào thì dừng việc bắt, áp giải đối với người chấp hành án hình sự là phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi?

 | 

Trong những năm qua, Luật Thi hành án hình sự đã từng bước đi vào cuộc sống; hệ thống các văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định pháp luật về thi hành án hình sự đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, là hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên trong quá trình kiểm sát việc thi hành án hình sự, Viện kiểm sát một số địa phương thấy còn có khó khăn, vướng mắc trong việc bắt, áp giải đối với người chấp hành án hình sự là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; xin được trao đổi cùng đồng nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có một số trường hợp người bị kết án phạt tù đươc tại ngoại, đã hết thời hạn hoãn chấp hành án hoặc bị hủy quyết định hoãn chấp hành hình phạt tùnhưng lạiđangcó thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, tuy nhiên họ không được Tòa án có thẩm quyền cho hoãn thi hành án do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc người bị kết án đã hết thời hạn hoãn hoặc không đủ điều kiện hoãn chấp hành án phạt tù, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện khó khăn trong việc áp giải những đối tượng này đi chấp hành án vì họ không có ý thức tự nguyện đi chấp hành án hoặc không thể giao con nhỏ cho người khác chăm sóc. Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Thông tư số 47/2020/TT-BCA ngày 15/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định “Đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì dừng việc bắt, áp giải và lập biên bản… Thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp” nên Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện không thực hiện việc áp giải các đối tượng thuộc trường hợp nêu trên.

Như vậy, trong trường hợp nào thì Cơ quan Thi hành án hình sự dừng việc bắt, áp giải đối với người chấp hành án hình sự là phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi? Xin được trao đổi với đồng nghiệp như sau:

Với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Thông tư số 47/2020/TT-BCA ngày 15/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an như nêu trên, nên hiểu việc dừng bắt, áp giải áp dụng trong trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại hoặc đã hết thời hạn được hoãn chấp hành án phạt tù, khi quá thời hạn tự nguyện đi chấp hành án, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an có thẩm quyền khi thực hiện việc áp giải thì phát hiện người bị kết án là phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì Cơ quan Thi hành án hình sự dừng việc bắt, áp giải và lập biên bản (kèm theo bản sao giấy khám thai tại cơ sở y tế cấp huyện trở lên đối với trường hợp đang có thai hoặc bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh đối với trường hợp đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi); đồng thời thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Còn đối với trường hợp người bị kết án phạt tù được tại ngoại, đã hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù hoặc bị hủy quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù, không được Tòa án có thẩm quyền tiếp tục cho hoãn chấp hành án do không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhưng lại đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì cơ quan Thi hành án hình sự tổ chức thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 23, khoản 4 Điều 25 Luật Thi hành án hình sự.

Trên thực tế, không ít trường hợp không tự nguyện đi chấp hành án, họ cố tình trốn tránh bằng cách không giao con cho người khác chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc lấy lý do không còn người thân để chăm sóc con nhỏ giúp họ trong thời gian họ phải đi chấp hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Đối với trường hợp người phải chấp hành án là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, tại Điều 51 Luật Thi hành án hình sự đã quy định cụ thể chế độ đối với phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nhằm đảm bảo quyền lợi cho mẹ và trẻ em trong quá trình chấp hành án. Còn khi con của phạm nhân nữ từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì trại giam, trại tạm giam… phải đề nghị cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng... Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

Quá trình thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát có thẩm quyền cần kiểm sát chặt chẽ đối với các trường hợp bắt, áp giải người bị kết án đi chấp hành án, nhất là đối với các trường hợp người chấp hành án phạt tù là phụ nữ. Trong quá trình kiểm sát việc thi hành án hình sự, nếu phát hiện trường hợp dừng việc bắt, áp giải đối với người chấp hành án hình sự là phụ nữđang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi của Cơ quan Thi hành án hình sự không đảm bảo có căn cứ, Viện kiểm sát cùng cấp cần thực hiệnquyền kiến nghị,yêu cầu Cơ quan Thi hành án hình sự nghiêm túc thực hiện việc tổ chức thi hành án theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 23, khoản 4 Điều 25 Luật Thi hành án hình sự.

Trên đây là một số nội dung trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự, xin được chia sẻ và mong nhận được sự nghiên cứu, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Lương Kim Thanh- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,762,106
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.137.171.121

    Thư viện ảnh