.

Thứ bảy, 27/04/2024 -08:14 AM

Một số điểm mới về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố ban hành theo Quy chế 111/QĐ-VKSNDTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao

 | 

Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố ban hành theo Quy định số 111/QĐ-VKSNDTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 111) đã tích hợp và thay thế cho 03 Quy chế cụ thể: Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quy định 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 03); Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm thao Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao và Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Qua nghiên cứu tại Chương II, III và Chương IV của Quy chế (công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố) tôi thấy có một số điểm mới cần lưu ý, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Khi xét phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam (khoản 1 Điều 17) Quy chế 111 quy định: Đối với trường hợp bị can bị bắt tạm giam sau khi đã khởi tố vụ án thì thời hạn tạm giam không được quá thời hạn điều tra vụ án. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ hai: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 20) Quy chế 111 quy định: Nếu có căn cứ xác định việc bị can có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài mà Cơ quan điều tra không ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và gửi ngay cho Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ ba: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn (điểm b, khoản 3, Điều 21) Quy chế 111: Trường hợp chưa hết thời hạn gia hạn tạm giữ mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xét thấy không cần thiết tạm giữ thì căn cứ khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ biện pháp tạm giữ; nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện, nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát thực hiện. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ tư: Thực hành quyền công tố kiểm sát tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (khoản 2 Điều 27) Quy chế 111: Khi nhận được thông báo của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đối với tất cả các vụ việc mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành khám nghiệm theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, các vụ án giết người không quả tang, các vụ tai nạn giao thông, các vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vụ việc có từ 02 tử thi trở lên; các vụ án mà người phạm tội là nhân sỹ trí thức hoặc các chức sắc tôn giáo, người có uy tín cao thuộc các dân tộc ít người, các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải trực tiếp cùng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp cần thiết, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên cùng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. (Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định không quy định).

Thứ năm: Thực hành quyền công tố, hoạt động của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường (khoản 7 Điều 30) quy chế 111 quy định: Trường hợp ý kiến giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên không thống nhất  thì Kiểm sát viên yêu cầu ghi ý kiến của mình vào biên bản và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện sau khi kết thúc khám nghiệm. (Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định không quy định).

Thứ sáu: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc định giá tài sản (khoản 2 Điều 37) Quy chế 111 quy định cụ thể: Nếu phát hiện người định giá tài sản thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 69 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá tài sản thay đổi người định giá tài sản. Tại (khoản 3 Điều 37) Quy chế quy định: Nếu thấy cần làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra để yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá, hỏi thêm về những tình tiết cần thiết theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ bảy: Thực hành quyền công tố, kiểm sát kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (tại khoản 2 Điều 43) Quy chế 11 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo hồ sơ vụ việc của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, nếu thấy quyết định tạm đình chỉ có căn cứ thì Viện kiểm sát phải chuyển trả hồ sơ cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra để giải quyết theo thẩm quyền. (Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban không quy định).

Ngoài ra, tại phụ lục B ban hành kèm theo Quy chế 111 đã ban hành 17 mẫu báo cáo đề xuất, báo cáo tiến độ, biên bản, kế hoạch công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên trong quá trình tác nghiệp đồng thời tạo sự thống nhất chung trong toàn ngành Kiểm sát./.

Đoàn Thế Đức- VKSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,772,188
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.48.62

    Thư viện ảnh