.

Thứ bảy, 04/05/2024 -08:17 AM

Một số vấn đề trong Phần truy tố của BLTTHS năm 2015.

 | 

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 gồm 14 điều luật quy định về Quyết định việc truy tố bị can (Chương XIX) thể hiện nhiều nội dung mới, chi tiết hơn, cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát

Để phù hợp với nguyên tắc Hiến định quy định tại Điều 107 Hiến pháp 2013 và Điều 2, 3, 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì BLTTHS 2015 đã bổ sung mới Điều 236, Điều 237 về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn truy tố; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của VKS trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cũng như cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn để người tiến hành tố tụng trong VKS thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định. Theo đó, cũng quy định trách nhiệm giữa Cơ quan điều tra và VKS trong quá trình chuyển giao hồ sơ tại Điều 238, từ giai đoạn khởi tố, giai đoạn điều tra vụ án hình sự (phần thứ hai) sang giai đoạn Truy tố(phần thứ ba).

2. Thẩm quyền truy tố

Khi đã xác định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (Điều 153), thẩm quyền điều tra (Điều 163), thẩm quyền xét xử của Tòa án (Điều 268-270...) thì việc bổ sung mới về Thẩm quyền truy tố ( Điều 239 BLTTHS 2015) là phù hợp và đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy định cụ thể thẩm quyền truy tố của VKS ngang cấp; về việc chuyển vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố; việc phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới...

Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định truy tố. Quy định trách nhiệm của VKS cấp trên và cấp dưới trong việc phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, việc quy định “cấp trên” không có cụm từ “trực tiếp” là một hướng mở...

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, VKS (nơi ra quyết định chuyển) phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác (thuộc Điều 55 BLTTHS 2015).

3. Thời hạn truy tố; các quyết định

Điều 240 BLTTHS 2015 quy định về thì thời hạn truy tố không có thay đổi so với Điều 166 BLTTHS 2003, tuy nhiên bổ sung một số diện người phải thông báo và được nhận các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày kể từ khi ra các quyết định:

Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung: VKS phải thông báo cho bị can, người bào chữa, mở rộng thêm  diện hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết;

Bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can: giao cho bị can, mở rộng thêm diện hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ (BLTTHS 2003 quy định người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan dến việc bảo chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu).

Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 240 phải được gửi ngay cho VKS cấp trên. 

Điều 243 Quyết định truy tố bị can: BLTTHS 2015yêu cầuthêm một số nội dung của Cáo trạng là “tính chất, mức độ thiêt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội”.

Điều 244 Chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa: Bổ sung thêm trường hợp vụ án phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì VKS phải thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.

4. Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung:

Điều 245 Quy định cụ thể các trường hợp phải điều tra bổ sung, đặc biệt trường hợp thiếu chứng cứ đã được cụ thể tại Điều 85 của bộ luật này.

Quy định rõ sau khi kết thúc điều tra bổ sung, CQĐT phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế.

Điều 246 Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án; đây là điều luật mới, cụ thể các bước sau khi nhận quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKS như Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS 2003 về trả hồ sơ điều tra bổ sung.

5. Tạm đình chỉ, đình chỉ, phục hồi vụ án:

Điều 247 Tạm đình chỉ vụ án: Vấn đề cần lưu ý là, thời điểm tạm đình chỉ phải phù hợp với thời hạn truy tố, trường hợp nào thì được tạm đình chỉ trước khi hết thời hạn truy tố (điểm a khoản 1- trường hợp bị bệnh tâm thần, bệnh hiểm nghèo), trường hợp nào thì phải hết thời hạn truy tố (điểm b, c khoản 1 điều này: bị can bỏ trốn, không biết rõ đang ở đâu; hoặc chờ kết quả giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp) và phải thực hiện những thủ tục gì có liên quan trước khi tạm đình chỉ (truy nã điểm b), và những thủ tục vẫn tiếp tục thực hiện khi đã tạm đình chỉ (điểm c- việc giám định, định giá, tương trợ).

Điều 248 Đình chỉ vụ án (được tách riêng): Quy định rõ việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật này.

 Điều 249  Phục hồi vụ án: Đây là điều luật mới, lưu ý căn cứ phục hồi, nội dung quyết định phục hồi, việc giao quyết định phục hồi vụ án. Trường hợp đình chỉ do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm và đặc xá mà bị can không đồng ý và yêu cầu phục hồi vụ án thì VKS ra quyết định phục hồi vụ án. Có thể phục hồi đối với toàn bộ vụ án hoặc phục hồi vụ án đối với từng bị can.

Như vậy, những quy định trong Phần truy tố của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 được quy định theo hướng dẫn cụ thể hơn, đảm bảo hiệu quả và phản ánh đúng tinh thần của các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự.

Đặng Minh Hà-VKS huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,829,736
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.143.4

    Thư viện ảnh