.

Thứ năm, 25/04/2024 -13:08 PM

Giải quyết phân chia di sản thừa kế không đúng, Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết lại vụ án

 | 

Tranh chấp thừa kế là tranh chấp phổ biến, phức tạp và khó giải quyết vì được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, liên quan đến những người có mối quan hệ tình cảm gia đình. Việc giải quyết loại tranh chấp này đòi hỏi vừa phải thấu tình, đạt lý. Khi giải quyết loại án này, Tòa án cáp sơ thẩm thường rất hay mắc phải những vi phạm thiếu sót, dẫn đến việc bị Tòa án cấp trên xử hủy án để giải quyết lại.

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp di sản thừa kế " giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị D với bị đơn là ông Nguyễn Văn G và 13 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác thấy như sau:

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn T và cụ Nguyễn Thị A có 05 người con chung gồm: Bà S; bà T; bà B (đã hy sinh); ông G (là bị đơn) và bà D (là nguyên đơn). Từ năm 1967,  gia đình sinh sống trên thửa đất có diện tích 1.072m2. Năm 1982 cụ T chết. Năm 2001 cụ A chết đều không để lại di chúc.

Sau khi cụ T chết, ông G đã kê khai và năm 2003 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ) đối với diện tích đất của cụ T và cụ A để lại.

Nguyên đơn bà D cho rằng, bà và bà S, bà T không tặng cho, chuyển nhượng đất cho ông G. Bà D khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng 1.072m2 đất do cụ T và cụ A để lại.

Bị đơn ông G cho rằng, bà D và bà S, bà T đã lấy chồng, ở riêng. Ông và cụ T, cụ A quản lý sử dụng 1.072m2 đất. Quá trình sử dụng đất gia đình ông phải san lấp ao, vườn và tôn tạo. Ngoài ra ông còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc các cụ khi còn sống, chi phí tang ma, giỗ các cụ khi chết và chi phí quy tập mộ liệt sỹ bà B; ông đề nghị Tòa án xem xét công sức của ông. Cụ T và cụ A đã cho ông đất làm nơi sinh sống, thờ cúng tổ tiên nên đất này không phải là di sản để chia thừa kế. Ông không đồng ý việc bà D, bà S, bà T yêu cầu chia thừa kế; vì không đúng quy định của pháp luật về thời hiệu chia thừa kế.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà T và bà S đều yêu cầu chia di sản của cụ T và cụ A theo pháp luật. Bà S đề nghị chia phần của bà được hưởng cho ông G và bà D mỗi người ½.

Bà H, chị T, chị Q, chị L (là vợ, con ông G) đều trình bày các nội dung như ông G đã trình bày. Bà H và các con có công sức tân tạo, bảo quản đất, tân đất vườn, lấp ao, xây tường bao… từ năm 1974 đến nay nhưng không nhớ công sức cụ thể, không đồng ý chia di sản cho bà D, bà S, bà T; yêu cầu tính công sức theo quy định pháp luật.

Đại diện Ủy ban nhân dân xã Đ và UBND huyện H đều trình bày: Nguồn gốc thửa đất diện tích 1.072m2 là do cụ T và cụ A sử dụng từ trước năm 1960. Sau khi hai cụ chết thì hộ ông G quản lý, sử dụng đến nay. Hộ ông G đã kê khai, ngày 05/11/2003 hộ ông G  được UBND huyện H cấp giấy CNQSDĐ. Kể từ khi được cấp, hộ ông Giáp sử dụng đất ổn định, đúng ranh giới, không tranh chấp với ai.

Tòa án cấp sơ thẩm đã định giá 1.072m2 đất trị giá 2.191.760.000đ.

Với nội dung vụ án nêu trên,Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định cụ T chết năm 1982, do di sản là quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nên cần tính thời hiệu khởi kiện từ năm cụ Achết là năm 200; xác định 1.072m2 đất trị giá 2.191.760.000đ là di sản thừa kế của cụ T và cụ A. Hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ là ông G, bà T, bà S và bà D; xác định công sức của gia đình ông G bằng ½ giá trị di sản thừa kế, còn lại ½ giá trị di sản được chia đều cho bà D, bà T, bà S, ông G  vàTòa án cấp sơ thẩm đã xử:

Xác định quyền sử dụng đất diện tích 1.072m2 trị giá 2.191.760.000đ đã được cấp giấy CNQSDĐ cho hộ ông G ngày 05/11/2003 là di sản thừa kế của cụ T và cụ A.

Giao bà S được nhận phần di sản trị giá 273.970.000đ nhưng chấp nhận yêu cầu của bà S chia cho ông G và bà D mỗi người một nửa kỷ phần trên.

Giao bà D quyền sử dụng thửa đất diện tích 144,2m2 đất.

Giao ông G quyền sử dụng tổng cộng 851m2 đấttrị giá 1.467.550.000đ. Nhưng ông G phải trả bà D 16.730.000đ, trả bà T 273.970.000đ.     

Giao bà T phần di sản trị giá 273.970.000đdo ông G trả.

            ...

Sau khi xét xử sơ thẩm bà D, bà T, ông G, chị Q kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm; Viện KSND tỉnh B có quyết định kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Xem xét việc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án, kháng cáo của các đương sự và kháng nghị của Viện kiểm sát thấy, Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm, thiếu sót như sau:

- Về việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T: Cụ T chết năm 1982. Căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 5/01/2018 của TAND tối cao; điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

Đối chiếu các quy định nêu trên, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T là 30 năm được tính từ ngày 10/9/1990. Ngày 10/3/2017 bà D khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế trong đó có di sản của cụ T là vẫn trong thời hạn 30 năm. Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là: Cụ T chết năm 1982, do di sản là quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nên cần tính thời hiệu khởi kiện từ năm cụ A chết là năm 2001 là không đúng quy định của pháp luật về thời điểm mở thừa kế, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ T.

- Về việc xác định giá trị công sức của gia đình ông G: Ông G yêu cầu tính toán công trực tiếp quản lý, tân tạo đất ao, vườn, chi phí nuôi dưỡng, mai táng bố mẹ, chi phí quy tập mộ liệt sỹ Nguyễn Thị B, chi phí dân sự khác. Bà H và chị T, chị Q, chị L trình bày có công sức tân tạo, bảo quản đất, tân đất, xây tường bao nhưng đều không không xác định cụ thể giá trị công sức, chi phí là bao nhiêu. Nhưng Tòa án không thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ làm căn cứ giải quyết các yêu cầu nêu trên của đương sự, việc Tòa ánxác định ½ giá trị di sản là công sức của gia đình ông G (không xác định cụ thể là công sức của những ai) là chưa đủ cơ sở; không đảm bảo quyền lợi của những người được hưởng di sản thừa kế.

Vì các lý do nêu trên,Toà án cấp phúc thẩm đã xử chấp nhận kháng cáo của các đương sự;chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B;  Áp dụng khoản 3 Điều 308; Điều 310Bộ luật tố tụng dân sự xửhủy Bản án sơ thẩmcủa Toà án cấp sơ thẩm; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án./.

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,757,057
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.146.105.194

    Thư viện ảnh