Với vị trí địa lý đặc thù, tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lạng Giang nói riêng được các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sử dụng là địa bàn trung chuyển từ Hà Nội đi Lạng Sơn rồi qua biên giới Trung Quốc. Trong những năm qua, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực tuy có thể nắm bắt được nhiều cơ hội, vận hội mới để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhưng cũng chính vì môi trường này, hoạt động của các loại tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi, đã nảy sinh nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng, trong đó có công tác phòng, chống ma túy tại cộng đồng.
Nhận định được tình hình trên, ngày 13/9/2017, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Lạng Giang đã phối hợp với Cục Tham mưu Cảnh sát, Tổng cục cảnh sát Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại cộng đồng”.
Hình ảnh tại Hội nghị
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Ngô Minh Đoàn, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Lạng Giang (BCĐ); đồng chí Đại tá Tạ Đức Ninh – Trưởng Phòng 8, Cục Tham mưu Cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; đồng chí Thượng tá Nguyễn Hữu Ngãi – Phó trưởng Phòng PC47 Công an tỉnh Bắc Giang và đại diện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tham dự Hội nghị tập huấn còn có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND, Trưởng công an và trưởng các đoàn thể các xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo báo cáo của Tổng cục cảnh sát nhân dân, thì tình hình tệ nạn ma túy trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có sự gắn kết, phối hợp giữa tội phạm ma túy với nhiều loại tội phạm khác (như tội phạm rửa tiền, buôn lậu, buôn bán người, khủng bố....); mức độ quyết liệt ngày càng cao, đồng thời xuất hiện nhiều loại ma túy mới rất nguy hiểm, đặc biệt được điều hành bởi các tổ chức tội phạm trên phạm vi toàn cầu, do đó thiệt hại ma túy theo số liệu thống kê gây ra là rất lớn. Tính đến tháng 6/2017, trên thế giới có khoảng 1,4 tỷ người sử dụng ma túy ở các mức độ khác nhau, trong đó có 29 triệu người nghiện nặng, 12 triệu người tiêm chích, 1,6 triệu người nhiễm HIV bằng tiêm chích và 208 nghìn người chết vì ma túy hàng năm. Mỗi năm, ước tính thế giới đầu tư khoảng 100 tỷ USD cho công tác phòng, chống ma túy.
Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật trên với tuyến biên giới đường bộ giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc và hệ thống đường biển trải dài giáp các nước Thái Lan, Malaysia, Philipines.... Quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy đã bắt gần 12 nghìn vụ, gần 18 nghìn đối tượng (trong đó 14 vụ/23 đối tượng có yếu tố nước ngoài); thu giữ 442 kg heroin; 778,5kg ATS + 348 nghìn viên ATS; 82 kg thuốc phiện; 85 kg cần sa khô; 5.600 kg lá khát; 1,6kg Cocain; và 34 tỷ VNĐ tăng 1.888 vụ/ 1.851 đối tượng và 222kg heroin, 365 kg ATS so với cùng kỳ năm 2016. Tình hình người nghiện ma túy thống kê được đến tháng 6/2017 là 219.419 người (tăng so với cuối năm 2016 là 8.704 người); cơ cấu về giới về loại ma túy có sự thay đổi, thiệt hại trực tiếp về kinh tế khoảng 10 nghìn tỷ đồng, thiệt hại gián tiếp khoảng 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Về phương thức hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện hiện đại (vận chuyển qua hải quan, qua tuyến hàng không bằng máy bay qua sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài), với số lượng ma túy rất lớn. Đối tượng phạm tội thuộc nhiều thành phần, tuy nhiên chủ yếu là người Việt Nam; ngoài ra còn một số trường hợp đối tượng cầm đầu là người gốc Phi trong những vụ vận chuyển ma túy thực hiện qua đường hàng không. Việc điều chế các chất ma túy tổng hợp trái phép cũng diễn biến phức tạp, thường xuyên xuất hiện các loại ma túy mới ngoài dự đoán. Theo báo cáo, hiện nay có khoảng 250 chất ma túy, được phân vào 03 bảng; 41 loại tiền chất đã được quy định trong pháp luật hiện hành, ngoài ra còn rất nhiều loại ma túy khác. Một số loại ma túy cơ bản, thường gặp và tác động của nó đến người nghiện như: Heroin, thuốc phiện, cần sa, cocain, ma túy tổng hợp (ATS)... một số loại giới trẻ ưa thích như: ma túy Methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá), ECSTACY (thuốc lắc), LSD (Hàng nấm- là một chất bán tổng hợp từ một loại nấm tự nhiên) hay như Tem giấy, các chất hướng thần thế hệ mới (Cỏ Mỹ, Muối tắm, cần sa tổng hợp, Ketamine)... được người nghiện sử dụng dưới nhiều hình thức: hút, chích, dán, thổi... Tác hại nguy hiểm của các loại ma túy này như gây ảo giác, hoang tưởng dẫn đến nhiều loại tội phạm nghiệm trọng khác, người nghiện dần bị nghiễm độc dẫn đến hủy hoại cơ thể.
Hội nghị cũng đặc biệt quan tâm đến tình trạng thanh thiếu niên nghiện ma túy, chỉ ra những nguyên nhân tiềm tàng: do giới trẻ học đòi, bắt trước, muốn khẳng định mình, muốn chống lại những quy định, muốn nổi loạn, đôi khi là tự chấn an bản thân khi bị ngược đãi, bạo hành, bị bỏ mặc, do áp lực nhóm....; cũng lưu ý đến mối quan hệ tác động qua lại có mối liên hệ biện chứng giữa ma túy- con người - môi trường (gia đình, xã hội). Hội nghị cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân tiềm ẩn, từ đó có biện pháp ngăn chặn không để xảy ra hoặc dự tính các biện pháp đối phó trước khi tình hình xảy ra; đồng thời khuyến khích công dân có lối sống lành mạnh, trang bị thông tin, kiến thức và kỹ năng để đối phó với các tình huống căng thẳng, bất lợi, mục tiêu chính là giảm yếu tố nguy cơ va tăng cường các yêu tố bảo vệ, yếu tố tích cực với nhiều hình hức phòng ngừa (như phòng ngừa ban đầu, chuyên biệt, phòng ngừa tác hại); qua nhiều kênh thông tin đại chúng, trường học, dựa vào cộng đồng, tại nơi làm việc; hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể (học sinh, sinh viên, nghề nghiệp đặc biệt, hay nhóm có khuynh hướng tình dục đồng giới....). Qua đó nêu cao vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trong công tác phòng, chống ma túy.
Hội nghị đã diễn ra thành công, truyền tải được những nội dung thiết thực đối với cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại cộng đồng, nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong nội bộ, nêu cao vai trò của cơ quan bảo vệ pháp luật, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống và xử lý đối với tội phạm ma túy, đảm bảo đồng bộ, thống nhất; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người thân, công dân địa phương nơi cư trú; nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, hạn chế tình trạng tái nghiện sau cai, tái hòa nhập cộng đồng, coi người nghiên ma túy là nạn nhân của tệ nạn xã hội để có cách tiếp cận phù hợp, vì cộng đồng./.
Đặng Minh Hà- Viện KSND huyện Lạng Giang