.

Thứ bảy, 27/04/2024 -00:33 AM

Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có đúng hay không?

 | 

<>Hỏi

Ngày 15/3/2017 TAND cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định giám đốc thẩm xử hủy Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H (TAND) và bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh B giải quyết vụ án "Tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn" giữa nguyên đơn là bà A với bị đơn là ông B; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là tôi; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện H giải quyết lại vụ án. Sau khi TAND huyện H thụ lý giải quyết lại vụ án, nguyên đơn bà A rút đơn khởi kiện, bị đơn ông B đồng ý việc bà A rút đơn. Nên ngày 5/6/2017 TAND huyện H đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và có tuyên trả lại tôi số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Ngày 25/6/2017 Tòa án mới giao cho tôi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trước khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án không gọi hỏi ý kiến yêu cầu của tôi. Nay tôi không hiểu việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án có đúng hay không? tôi có còn quyền kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án?

                                                                          Nguyễn Văn N- huyện H

                                                               

<>Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại khoản 22 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự (Bộ LTTDS): Đương sự có quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

Khoản 2 Điều 273 Bộ LTTDS quy định: Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

Khoản 4 Điều 217 Bộ LTTDS quy định: Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối chiếu các quy định nêu trên thấy rằng, do ông là đương sự trong vụ án, nên nếu không đồng ý với việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ông có quyền kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ông nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Nếu trước khi Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án không hỏi ý kiến của ông về việc ông có đồng ý hay không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; ông có rút đơn hay vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập mà Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật. Nếu ông kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án./.

                                                                   Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,769,701
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.201.71

    Thư viện ảnh