.

Thứ bảy, 27/04/2024 -12:16 PM

Đề tài Luận văn Thạc sỹ Luật: "Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay"

 | 

Đơn vị: Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Học viên: Nguyễn Đức Sơn
 
Tên đề tài:  "Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay
 
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật

Mã số:                60 38 01

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Minh Đức

Hoàn thành:  2012

________________________________

Mở đầu

1. Tính cấp thiết của đề tài

Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được thành lập từ năm 1960 cho đến nay đã trải qua hơn 50 năm tồn tại, trưởng thành, phát triển và thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Bước sang thế kỷ XXI, tiến trình cải cách tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực dân sự đã phát triển ngày càng sâu rộng. Sau khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 ra đời, chức năng, phạm vi và thẩm quyền của Viện kiểm sát đã có những thay đổi căn bản so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Viện kiểm sát thôi không thực hiện thẩm quyền khởi tố các vụ án dân sự, kiểm sát việc điều tra lập hồ sơ của Tòa án, không có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Phạm vi tham gia phiên tòa xét xử dân sự của Viện kiểm sát cũng bị thu hẹp một cách đáng kể. Theo số liệu thống kê trong 5 năm đầu thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm chỉ chiếm 0,09%, tham gia phiên toà phúc thẩm 0,12%. Kiểm sát viên thôi không tham gia kiểm sát 100% các phiên toà xét xử dân sự nữa, chỉ tập trung vào việc kiểm sát các bản án, quyết định xử lý vụ việc dân sự của Tòa án và đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát trong giai đoạn này.

Trải qua hơn 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 cho thấy, mặc dù về cơ bản, các quy định của Bộ luật đã đi sâu vào đời sống xã hội nước ta, nhưng các quy định về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù pháp luật vẫn quy định Viện kiểm sát có đầy đủ các quyền kiến nghị, kháng nghị nhưng thiếu cơ chế, phương thức, cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình. Sau hơn 5 năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thấy rằng, chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị còn được ít, chất lượng chưa đảm bảo, trong khi đó vi phạm trong việc giải quyết án dân sự vẫn chiếm tỷ lệ cao, tình trạng khiếu kiện của người dân về việc giải quyết án dân sự ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. án dân sự ở cấp sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa, huỷ án còn nhiều (theo báo cáo của Tòa án nhân dântối cao, năm 2010 có 737 vụ việc phải kháng nghị giám đốc thẩm), dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân không được đảm bảo. Nguyên nhân nêu trên là do hệ thống pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự hiện hành còn chưa đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện, chất lượng giải quyết án dân sự của Tòa án còn hạn chế, nhưng một phần quan trọng cũng là do các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn còn nhiều bất cập. Mặt khác, nền kinh tế thị trường vốn dĩ luôn vận động và không ngừng phát triển, sự tham gia vào quá trình liên kết, hợp tác khu vực và quốc tế như: tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN), diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ… đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Đó là yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. Đứng trước những thử thách và yêu cầu mới của thế kỷ XXI, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Trước thực trạng nêu trên, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (viết tắt là Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi), theo hướng mở rộng thẩm quyền của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, những quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi) về trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu và tạo điều kiện để Viện kiểm sát thực hiện tốt hơn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Việc hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát tại phiên toà dẫn đến các thẩm quyền tố tụng liên quan cũng bị loại bỏ hoặc hạn chế nên Viện kiểm sát không có đủ các quyền hạn tố tụng cần thiết khi thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tại Nghị quyết số 49/NQ- TƯ ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và kết luận số 79/KL - TƯ ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra đã xác định Viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do vậy, vấn đề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, vai trò và mô hình hoạt động của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vẫn phải cần được làm rõ và tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho Viện kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ  đã được Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó, đáp ứng với yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp, góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chung.

Xuất phát từ thực tế nêu trên và từ việc nhận thức về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự là những vấn đề quan trọng cần có sự quan tâm, đổi mới hơn nữa cả về phương diện lý luận và thực tiễn, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp.

Là một cán bộ đang trực tiếp làm công tác trong cơ quan tư pháp tỉnh Bắc Giang, tác giả nhận thấy việc chọn đề tài "Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay" để nghiên cứu, xây dựng luận văn thạc sĩ luật học là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời qua quá trình nghiên cứu, cá nhân tác giả có điều kiện nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác của bản thân.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự là vấn đề không chỉ được ngành Kiểm sát mà còn được cả xã hội quan tâm. Do yêu cầu và đòi hỏi khách quan nêu trên, đã có nhiều bài viết trên các luận văn thạc sĩ, tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo, chuyên đề tổng kết rút kinh nghiệm của các ngành Kiểm sát, Tòa án… liên quan đến nội dung, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Từ tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài nêu trên, có thể phân loại tài liệu thành hai nhóm sau:

- Nhóm thứ nhất, các bài viết liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp như: "Đổi mới vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp" của tác giả Nguyễn Minh Hằng, sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Tư pháp năm 2008 “Hoàn thiện chế định Viện kiểm sát nhân dân trong Bộ luật tố tụng dân sự” đề tài khoa học cấp Bộ của tiến sĩ Trần Văn Trung năm 2003; Luận án tiến sĩ “Quá trình hình thành, phát triển và đổi mới Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam” của tác giả Trần Văn Nam năm 2010; Luận văn thạc sĩ luật học "Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam" của tác giả Hoàng Thế Anh năm 2006; Luận văn thạc sĩ luật học “Sự tham gia tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự Việt Nam” của tác giả Võ Thị Phượng năm 2010; "Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành", “Nhận thức đúng thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong Bộ luật tố tụng dân sự” của tác giả Khuất Văn Nga đăng trên tạp chí Kiểm sát số 09 năm 2004;

- Nhóm thứ hai, nhóm các chuyên đề báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm như: "Kết luận của TS. Khuất Văn Nga - Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự về thực hiện các quy định về quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự" (Tạp chí Kiểm sát số 18, tháng 9/2006); "Những kiến nghị từ hoạt động thực tiễn qua 1 năm thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004" của Tòa soạn tạp chí Kiểm sát (Tạp chí Kiểm sát số 18 tháng 9/2006); "Việc áp dụng một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự" của Toà soạn tạp chí Kiểm sát (Tạp chí Kiểm sát số 13 tháng 3/2006); "Vị trí, vai trò Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp" của  Nguyễn Ngọc Khánh (Tạp chí Kiểm sát số 14-16, tháng 7, 8 năm 2008); "Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực pháp luật đến ngày 31/5/2005" của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Qua nghiên cứu những công trình, bài viết nêu trên cho thấy: có nhiều quan điểm, lý luận tác giả có thể kế thừa và phát triển được khi nghiên cứu và hoàn thành đề tài. Tuy vậy, các công trình, bài viết trên chủ yếu đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực chung nhất về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự dưới góc độ của Luật nhà nước. Hoặc có công trình, bài viết tuy có trực tiếp đề cập đến vấn đề này, nhưng do thời điểm nghiên cứu đã lâu nên không cập nhật được những vấn đề đang đặt ra trong lý luận và thực tiễn hiện nay, nhất là trong điều kiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2011 với nhiều quy định mới, nên không còn mang tính thời sự nữa.

Mặt khác, các công trình, bài viết trên chưa đưa ra được một nhận thức toàn diện và đầy đủ về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân và hiệu quả hoạt động của nó trong tố tụng dân sự. Vì vậy, đến nay chưa có một công trình khoa học hoặc đề tài nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và có hệ thống về vấn đề này được chính thức công bố. Do vậy, tác giả chưa thấy có công trình, đề tài nào trùng lặp với đề tài này.

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

3.1. Mục đích

Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là làm rõ các cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức, hoạt động và vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự; đánh giá tính có căn cứ và khoa học về thực trạng tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, để xác định trong điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện và phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

3.2. Nhiệm vụ

Từ mục đích nêu trên, luận văn có nhiệm vụ:

- Làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

- Làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát trong trong tố tụng dân sự qua các thời kỳ, từ đó xác định những hiệu quả, hạn chế và nguyên nhân.

- Đề xuất những phương hướng, giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự trong thời gian tới, bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận văn

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Những vấn đề lý luận và thực tiễn, các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cải cách tư pháp.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự; việc tổ chức thực hiện các quy định về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự trong thực tế cuộc sống và những quy định của pháp luật có liên quan đến các vấn đề nêu trên. Phạm vi nghiên cứu về vai trò của Viện kiểm sát Việt Nam trong tố tụng dân sự trong toàn ngành Kiểm sát, thời điểm lấy số liệu từ năm 2007 đến nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận: đề tài được thực hiện trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp luật; đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về đổi mới tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát trong điều kiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết số 49/NQ- TƯ ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và những thành tựu của khoa học pháp lý trên thế giới.

5.2. Phương pháp nghiên cứu: dựa trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin; các khoa học chuyên ngành khác đặc biệt là khoa học về Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật, chú trọng đến phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, kết hợp lý luận và thực tiễn.

6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn

- Phân tích và làm rõ được cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay ở Việt Nam.

- Đề xuất những phương hướng cơ bản về đổi mới vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư  pháp.

7. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

- Góp phần làm sáng tỏ về lý luận cũng như thực tiễn quá trình tiếp tục đổi mới vị trí, vai trò và việc hoàn thiện mô hình hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự.

- Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án khách quan, có căn cứ, đúng pháp luật.

- Đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn, đồng thời có thể được sử dụng cho việc nghiên cứu, giảng dạy cho các cơ sở đào tạo khoa học pháp lý.

- Đề tài là nguồn tài liệu để phản ánh một số vấn đề từ thực tế giúp cho liên ngành Viện kiểm sát - Tòa án nghiên cứu khi ban hành các thông tư, hướng dẫn các vấn đề còn bất cập trong việc áp dụng, thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện Bộ luật tố tụng dân sự, nhằm đảm bảo cho pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất trong toàn quốc.

8. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 8 tiết.

............................

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,774,003
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.223.134.29

    Thư viện ảnh