.

Thứ bảy, 27/04/2024 -07:13 AM

Hướng tới kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2019)

 | 

Những ngày tháng 10, trong không khí ngập tràn hương sắc của mùa thu, trong lòng mỗi chúng ta lại vô cùng phấn khởi, tự hào ôn lại truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, tôn vinh những giá trị cao quý trong vẻ đẹp, tài năng và bản lĩnh của họ thời đại ngày nay.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 03/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức tiền thân của phụ nữ đã được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau như Hội phụ nữ phản đế, Hội phụ nữ cứu quốc, Phụ nữ hiệp hội... Cho đến tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng, Đảng đã ra Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ, đó là Nghị quyết về Phụ nữ vận động. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội. Đảng đã xác định rất rõ rằng: “... Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ, phụ nữ hiệp hội mục đích là mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng”.

Căn cứ vào Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đồng thời căn cứ vào Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội (tháng 10/1930), Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (1974) đã quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cho đến Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 6/1976, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, tiếp tục quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 20/10 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, không ai có thể quên cuộc khởi nghĩachống quân xâm lược Đông Hán- cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong 1000 năm Bắc thuộc, lập ra Nhà nước độc lập do Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) lãnh đạo; hình ảnh Bà Triệu oai hùng mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi,lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô với câu nói hàng ngàn năm vẫn còn vang vọng khí phách của phụ nữ Việt Nam: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”.

Trong các phong trào đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, có biết bao tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, bất khuất, kiên cường. Chúng ta hẳn ai cũng đều nhớ, khi bị dẫn giải ra nơi hành hình, nữ anh hùng Võ Thị Sáu (khi đó mới 19 tuổi) đã khảng khái nói : "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước"; "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!" và quát lại kẻ thù:"Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!". Rồi, những tấm gương như chị Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, mẹ Suốt, chị Lê Thị Hồng Gấm… và nhiều nữ anh hùng khác như chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng: “Còn cái lai quần cũng đánh!”…

Chiến tranh đi qua, nước nhà thống nhất, cả nước bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…người phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục tỏa sáng trên mặt trận mới, không kém phần khó nhọc, chông gai. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở bất kỳ ngành, nghề nào, phụ nữ Việt Nam cũng vẫn phát huy tích cực, hiệu quả truyền thống tốt đẹp của mình với tinh thần đoàn kết, tự tin, sáng tạo, bình đẳng và phát triển.

Trong nhiều năm qua, cùng với việc tham gia tích cực vào các phong trào của phụ nữ nói chung, phụ nữ ngành Kiểm sát Bắc Giang đã và đang khẳng định rõ vai trò của mình trong công tác cũng như trong cuộc sống. Rất nhiều tấm gương các thế hệ chị em công tác trong ngành đáng để chị em cán bộ trẻ hiện nay học tập, noi theo. Đó là đức tính cần cù, chịu khó, khiêm nhường, không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Hiện tại, toàn ngành Kiểm sát Bắc Giang có 80/213 cán bộ, công chức, người lao động là nữ (chiếm tỷ lệ 37,5%). Trong số đó, có 42 chị em giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp (03 chị giữ chức vụ Trưởng phòng; 05 chị giữ chức vụ Phó Trưởng phòng; 04 Kiểm sát viên trung cấp; 01 Viện trưởng, 04 Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện và 25 Kiểm sát viên sơ cấp).

Chúng ta đều biết, trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm, tính chất, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm cũng ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, khởi kiện hành chính có xu hướng tăng; khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn ra nhiều…Khối lượng công việc tăng lên, không chỉ ở các phòng nghiệp vụ mà ở các Viện kiểm sát cấp huyện, nhiều chị em luôn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Có những việc trước đây tưởng chừng như chỉ giao cho nam giới thực hiện như trực nghiệp vụ ban đêm, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi...thì giờ đây, ở nhiều đơn vị, những công việc như vậy đối với chị em là điều hết sức bình thường.

Vượt lên mọi khó khăn, chị em vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nhiều chị em sẵn sàng nhận công việc khó về phần mình, hỗ trợ, động viên, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết công việc với đồng nghiệp trong đơn vị. Ở cơ quan, chị em dồn hết tâm huyết cho công việc; trở về nhà, giữa bộn bề của cuộc sống, chị em vẫn thể hiện bản lĩnh, nghị lực, vững vàng vượt qua khó khăn, chăm lo xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Với những thành tích đạt được trong công tác, hàng năm, nhiều lượt chị em được công nhận là Chiến sỹ thi đua ngành, Chiến sỹ thi đua cơ sở, Kiểm sát viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu, được ngành và cấp ủy địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen…, nhiều chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. 

Có thể nói, Phụ nữ ngành Kiểm sát Bắc Giang hôm nay đã và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu tự khẳng định vị trí, vai trò của mình, bằng con tim và khối óc, bằng tình yêu tha thiết “màu áo thiên thanh”, họ đang có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, ngành Kiểm sát Bắc Giang nói riêng. Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2019), xin chúc chị em thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, luôn là những bông hoa tươi đẹp, tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa ngành Kiểm sát thân yêu!./.

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ- Viện KSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,771,733
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.60.149

    Thư viện ảnh