.

Chủ nhật, 05/05/2024 -10:39 AM

Phòng 3 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”

 | 

Trong những năm gần đây, tình hình khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có diễn biến phức tạp, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền quản lý tài nguyên, khoáng sản của nhà nước; gây mất trật tự an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023, các Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Bắc Giang đã phát hiện 07 vụ việc liên quan đến hành vi khai thác trái phép tài nguyên bị phát hiện, xử lý; trong đó đã xét xử 03 vụ/ 05 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Do đó, việc tuyên truyền kết quả xử lý đối với loại tội phạm này là hết sức cần thiết.

Ảnh: Hiện trường khu vực bị khai thác trái phép

Thực hiện Kế hoạch, Chương trình công tác năm của đơn vị; nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao của đơn vị trong năm 2024 và nâng cao công tác đào tạo tại chỗ thông qua phiên tòa tự rút kinh nghiệm, trong các ngày 12/01/2024 và ngày 15/01/2024,  Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế chức vụ - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Tòa hình sự - Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm tự rút kinh nghiệm đối với vụ án Thái Văn Vĩnh, bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của bị cáo cụ thể như sau:

Từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023, Thái Văn Vĩnh là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Long, có địa chỉ hoạt động tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; quá trình khai thác khoáng sản (đất san lấp) tại khu vực núi Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang theo Giấy phép đã được cấp, Vĩnh đã tổ chức, chỉ đạo các đối tượng làm thuê khai thác 113.172m3 khoáng sản (đất san lấp) đúng phạm vi diện tích khu vực khai thác, nhưng nằm ngoài mức sâu kết thúc khai thác và 654.640m3 khoáng sản (đất san lấp) khai thác ngoài phạm vi diện tích khu vực được cấp phép khai thác. Tổng số lượng khoáng sản khai thác không đúng Giấy phép (khai thác quá độ sâu, ngoài phạm vi được cấp phép) là 767.812m3; tổng giá trị khoáng sản đã khai thác trái phép là 20.730.924.000 đồng; gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền 4.738.601.665 đồng. Hành vi của Thái Văn Vĩnh đãvi phạm Luật khoángsản năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018.

Ảnh: Kiểm sát viên công bố bản Cáo trạng tại phiên tòa

Mặc dù phiên tòa không có Luật sư tham gia tố tụng, nhưng đây là vụ án phức tạp, liên quan đến 123 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần xem xét xử lý; đồng thời có nhiều quan điểm đánh giá về số tiền bị cáo thu lợi bất chính để truy tố và có cần thiết phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với pháp nhân thương mại hay không?

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã tập trung xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo; đồng thời làm rõ thêm về việc bị cáo đã sử dụng số tiền thu được từ hành vi khai thác trái phép khoáng sản, đã củng cố chứng cứ vững chắc về việc đánh giá, xem xét, xác định có thu lợi bất chính từ hành vi khai thác trái phép khoáng sản hay không; cũng như đánh giá về việc có cần thiết phải xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại và các đối tượng có liên quan không?

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã đưa ra lập luận sắc bén, vững chắc; phân tích nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội trong đó có một phần nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản (Viện kiểm sát đã ban hành kiến nghị đối với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền có biện pháp chấn chỉnh công tác này). Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáobị cáo Vĩnh 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo; phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo; đồng thời, buộc bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là4.738.601.665 đồngnhư mức đề nghị của Viện kiểm sát.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa, các đồng chí tham dự phiên tòa phát biểu ý kiến nhất trí đánh giá cao đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà đã bảo vệ tốt quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, có tác phong tự tin, chững chạc; kỹ năng xét hỏi, luận tội… tại phiên tòa ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó cũng chỉ rõ một số hạn chế trong kỹ năng tranh tụng để Kiểm sát viên rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ngày một tốt hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

 Việc Phòng 3-Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang lựa chọn vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” để làm phiên tòa tự rút kinh nghiệm vừa nâng cao kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho Kiểm sát viên, vừa góp phần tuyên truyềnđấu tranh với các hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép nhằm nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức và người dân trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản, góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay./.

Nguyễn Thị Huệ Anh- Phòng 3, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,838,338
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.129.249.105

    Thư viện ảnh