.

Thứ bảy, 27/04/2024 -00:43 AM

Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu.

 | 

Ký hiệu: 
04/CT-NHNN
Người ký: 
Nguyễn Văn Giầu
Loại VB: 
8. Chỉ thị
Lĩnh vực: 
3. Hành chính, kinh tế
Phân loại: 
Văn bản pháp luật
File vb: 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP TIỀN TỆ, TÍN DỤNG VÀ NGÂN HÀNG GÓP PHẦN ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ VÀ KINH TẾ VĨ MÔ

 

Trong 10 tháng năm 2010, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản được ổn định; tốc độ tăng vốn huy động và tín dụng phù hợp với mục tiêu; đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy vậy, thời gian gần đây, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức cao; thị trường tiền tệ và ngoại hối chưa ổn định vững chắc; tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có khả năng vượt mục tiêu.

Thực hiện Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2010 và đảm bảo an toàn, hiệu quả của hệ thống ngân hàng; trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07 tháng 04 năm 2010; đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

1.Đối với các đơn vị tại Hội sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo chức năng và nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp:

a) Thực hiện có chất lượng và kịp thời các công việc thống kê, thông tin và dự báo về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, cán cân thanh toán quốc tế và kinh tế vĩ mô.

b) Điều hành chủ động, linh hoạt và thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp với mục tiêu năm 2010; điều tiết lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối và điều kiện của nền kinh tế.

c) Mở đợt thanh tra tại chỗ về khả năng thanh toán bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ, chất lượng tín dụng và thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng trong tháng 11/2010

d) Đẩy mạnh các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt; ban hành kịp thời các chính sách, cơ chế, phát triển công nghệ và tăng cường giám sát để đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán; cung ứng kịp thời, đủ số lượng và cơ cấu tiền mặt theo nhu cầu cần thiết, hợp lý của nền kinh tế.

đ) Rà soát, đánh giá các quy định quản lý tiền tệ, tín dụng hiện hành để có những điều chỉnh cần thiết theo nguyên tắc bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh.

e) Hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

2.Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chủ động quán triệt, triển khai, nghiên cứu và nắm chắc chính sách, cơ chế hoạt động của Ngành ngân hàng, tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề mới phát sinh về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng.

b) Thực hiện biện pháp thích hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn huy động trên địa bàn và nguồn vốn khác cho vay phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

c) Đáp ứng nhu cầu tiền mặt hợp lý của lưu thông tiền tệ trên địa bàn; chủ động phối hợp và điều hành với tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước và các tổ chức khác để đảm bảo khả năng thanh toán, xử lý diễn biến bất thường của thị trường tiền tệ.

3.Đối với các tổ chức tín dụng:

a) Tăng cường huy động vốn ở trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp phù hợp quy định của pháp luật; không áp dụng các hình thức cạnh tranh không lành mạnh để ổn định thị trường tiền tệ. Duy trì cơ cấu vốn khả dụng (tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền mặt, …) ở mức hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán ở mức cao trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Kiểm soát tốc độ, quy mô và cơ cấu cho vay để cân đối với vốn huy động; thực hiện quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động. Thực hiện cho vay theo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh để thanh toán ở trong nước và cho nước ngoài, các khoản cho vay để kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và tiêu dùng.

b) Đáp ứng các nhu cầu vay vốn có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu vốn để cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Đối với các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão, lũ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên …), xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi tiền vay theo quy định của pháp luật và xem xét cho vay mới để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

c) Kiểm soát chặt chẽ huy động và cho vay bằng ngoại tệ, không để rủi ro thanh khoản và lãi suất bằng ngoại tệ, tỷ giá; cho vay bằng ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 3215/NHNN-CSTT ngày 29 tháng 4 năm 2010, văn bản số 4496/NHNN-CSTT ngày 15 tháng 6 năm 2010 về việc cho vay bằng ngoại tệ và văn bản số 4186/NHNN-CSTT ngày 04 tháng 6 năm 2010 về việc cho vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa.

d) Ấn định lãi suất huy động và cho vay, tỷ giá mua bán ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ.

đ) Cung cấp đúng và kịp thời các thông tin về hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

e) Xử lý kịp thời các trường hợp cho vay hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định của pháp luật, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, phát hiện của tổ chức tín dụng.

g) Khẩn trương đầu tư, nâng cấp công nghệ, nâng cao khả năng quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu an toàn, hiệu quả.

4.Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

b) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng thực hiện Chỉ thị này.

c) Các đơn vị tại Hội sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này trong báo cáo định kỳ hàng tháng gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

d) Văn phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việc thực hiện Chỉ thị này.

 

THỐNG ĐỐC

 

 

Nguyễn Văn Giầu

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,769,750
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.209.8

    Thư viện ảnh