.

Thứ sáu, 26/04/2024 -10:13 AM

Bộ luật lao động (sửa đổi), những chế độ mới với người lao động được thực hiện bắt đầu từ ngày quốc tế lao động năm 2013 (01/05/2013).

 | 

 Ngày 16/07/2012, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 Luật, Bộ luật được Quốc hội 13 thông qua tại kỳ họp thứ 3. Trong đó Bộ Luật lao động (sửa đổi) là một trong những Luật, Bộ luật được công bố đợt này và có hiệu lực từ 01/05/2013.

Trước đó, với tuyệt đại đa số  ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi) với 466/467 đại biểu đã bỏ phiếu thuận. So với Bộ luật cũ Bộ Luật lao động (sửa đổi) đợt này gồm 17 chương, 275 điều, tăng 51 điều so với Bộ luật cũ; trong đó có 90 điều mới, 103 điều sửa đổi, 82 điều giữ như hiện hành. Đối với mỗi chương cụ thể, Bộ luật đều có những bổ sung phù hợp với thực tiễn. Với sự sửa đổi lần này được coi như là một điều chỉnh lớn đối với Bộ luật lao động năm 2007. Việc thể chế hoá thể hiện ở việc quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể đại diện thực sự cho các bên theo quan hệ lao động đúng nguyên tắc thị trường, có tính đến yếu tố hội nhập và điều kiện của Việt Nam. Bộ luật lao động (sửa đổi) lần này có một số điểm đáng lưu ý như sau:

 

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13

            Thứ nhất, về các ngày nghỉ lễ, tết theo qui định tại Điều 115, chương VII, Bộ luật lao động sửa đổi ghi rõ “người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Tết Âm lịch 5 ngày” nhiều hơn 1 ngày so với qui định tại Bộ luật lao động cũ. Trường hợp nếu ngày nghỉ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Như vậy, cùng với 2 ngày nghỉ cuối tuần (thứ 7, chủ nhật), dịp nghỉ Tết âm lịch hàng năm sẽ kéo dài trọn 1 tuần (7 ngày). Tuy nhiên, do hiệu lực thi hành luật mới được ấn định từ 1/5 năm sau nên dịp Tết tới theo nguyên tắc, người lao động vẫn chỉ được nghỉ 4 ngày. Những năm qua, thông thường, Thủ tướng thường quyết định cho “nghỉ thông” ngày giãn cách trong dịp Tết và tổ chức làm bù sau đó.

            Ngoài 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch, trong năm, người lao động còn được nghỉ 1 ngày Tết Dương lịch, 1 ngày Chiến thắng 30/4, 1 ngày Quốc tế lao động 1/5, 1 ngày Quốc khánh 2/9 và 1 ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch.

            Người lao động cũng được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong các trường hợp: kết hôn (3 ngày), con kết hôn (1 ngày), bố mẹ đôi bên, vợ chồng, con chết (3 ngày). Luật mới cũng quy định thêm 1 ngày nghỉ nhưng không hưởng lương khi ông bà, anh chị em ruột chết, bố mẹ hoặc anh chị em ruột kết hôn.

            Thứ hai, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương 12 ngày trong điều kiện công việc bình thường; 14 ngày với người làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 16 ngày với công việc đặc biệt nặng học, độc hại hoặc nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt. Cứ 5 năm làm việc, số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm 1 ngày. Người lao động có thể thỏa thuận để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm/lần.

            Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định: “Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng”.

            Thứ ba, cũng về vấn đề chế độ, luật mới có qui định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng theo qui định của Bộ luật cũ trước đây nay lên thành 6 tháng. Có thể nói đây là quy định rất tiến bộ nhằm đảm bảo sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.Tuy nhiên lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng. Trong trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

            Bộ luật cũng cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt là tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ.

            Thứ tư, để bảo vệ quyền lợi người lao động về lâu dài, một cách căn cơ, Bộ luật lao động sửa đổi  cũng thống nhất quan điểm không tăng giờ làm thêm dù có rất nhiều quan điểm, kiến nghị trước đó. Theo đó thì tiền lương làm thêm giờ của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.

            Bộ luật lao động sửa đổi qui định cách tính lương làm thêm được tính như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày, ít nhất 300%. Riêng với người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 130% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường….

            Thứ năm, về mức lương tối thiểu, bộ luật quy định thống nhất “là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

            Như vậy, với việc Bộ luật lao động sửa đổi lần này thì các chế độ mới đối với người lao động sẽ chính thức có hiệu lực thực hiện đúng vào ngày quốc tế lao động 01/05/2013.

Nguyễn Văn Tuấn

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,762,652
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.202.45

    Thư viện ảnh