.

Thứ bảy, 20/04/2024 -08:43 AM

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính tại tỉnh Bắc Giang

 | 

Luật Tố tụng Hành chính (Luật TTHC) năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, trong đó có sự thay đổi lớn về mở rộng thẩm quyền quy định tại Điều 32 Luật TTHC, theo đó "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án" sẽ thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh. Do đó số lượng các vụ án hành chính thụ lý giải quyết tại Tòa án cấp tỉnh ngày càng tăng và diễn biến có tính chất phức tạp, khiếu kiện đông người; đặt ra yêu cầu đòi hỏi cao hơn cho ngành Tòa án. Vì vậy, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính đối với các vụ án hành chính do TAND giải quyết đối với ngành Kiểm sát là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần phải được đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn về hiệu quả và chất lượng; góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia mối quan hệ pháp luật tố tụng hành chính.

Trong thời gian từ năm 2018 đến nay, TAND hai cấp của tỉnh Bắc Giang đã đã xét xử 287 vụ/ 327 vụ án hành chính (trong đó án sơ thẩm là 282 vụ, án phúc thẩm là 05 vụ), chủ yếu liên quan đến quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường cho các đối tượng bị thu hồi đất để phục vụ các Dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ án hành chính gia tăng là do trong thời gian gần đây các địa phương trong địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện thu hồi đất xây dựng khu tái định cư, khu công nghiệp, phục vụ một số dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, đã có tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, dẫn đến số lượng đơn thư khiếu kiện xảy ra nhiều, nhất là khiếu kiện đông người. Đồng thời, theo quy định của Luật TTHC năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của TAND cấp tỉnh và cấp huyện có sự thay đổi, theo đó những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm (trước đây do TAND cấp huyện giải quyết). Bên cạnh đó, biên chế trong ngành Kiểm sát và Tòa án cũng không được tăng, nên số lượng Kiểm sát viên, Thẩm phán và Thư ký Tòa án luôn bị thiếu hụt, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Từ thực tiễn đã rút ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính như sau:

Một là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Ban cán sự đảng Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột phá theo Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao và Kế hoạch công tác của ngành, trong đó chú trọng đến công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.

Hai là, tổ chức triển khai, phổ biến và quán triệt đẩy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các đạo luật mới được banh hành đã có hiệu lực pháp luật, các quy định khác của pháp luật có liên quan; Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch, Hướng dẫn công tác của ngành, của cơ quan đơn vị; của cấp ủy và HĐND các cấp đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị. Thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, Bộ luật TTDS, Luật TTHC; Luật Tổ chức Viện KSND và các quy định khác của pháp luật.

Ba là, Lãnh đạo Viện tỉnh giao nhiệm vụ cho Phòng kiểm sát các vụ án HC, vụ việc KDTM, LĐ và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 10) có trách nhiệm tham mưu Lãnh đạo Viện trong chỉ đạo thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật; nhấn mạnh đến việc đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về mọi hoạt động của đơn vị. Yêu cầu lãnh đạo đơn vị phải sâu sát trong chỉ đạo, điều hành trực tiếp kiểm tra, nghe báo cáo duyệt án, duyệt nội dung yêu cầu đối với từng vụ án; trực tiếp nghiên cứu, tham gia xét xử các vụ án khó, phức tạp, đông người, được dư luận quan tâm; án thỉnh thị; duyệt kiến nghị, kháng nghị đối với Tòa án, với Chủ tịch UBND, UBND các cấp, các ngành thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bốn là, tích cực và đẩy mạnh học tập, nghiên cứu để nắm vững chức năng, nhiệm vụ của ngành; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn trong hoạt động công tác kiểm sát.

Năm là, coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tự kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại; coi trọng việc kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với việc thực hiện chức trách công vụ, nhiệm vụ của đơn vị và của cán bộ Kiểm sát viên. Thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót, vi phạm của đơn vị, cá nhân sau khi kiểm tra, thanh tra; phổ biến, nhân rộng những việc làm hay, điển hình tốt và kịp thời biểu dương, khen thưởng.

Sáu là, thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 01/QCLN/VKSD-TA ngày 27/11/2014 giữa Viện KSND và TAND tỉnh Bắc Giang trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án dân sự và khiếu nại tố cáo về tư pháp. Quy chế phối hợp số 519/QCPH-UBND-TAND-VKSND ngày 6/5/2016 giữa Viện KSND, TAND và UBND tỉnh Bắc Giang trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết các vụ án HC, DS, KDTM. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm sát viên với Thẩm phán và Tòa án để thống nhất trong giải quyết các vụ án hành chính, nhất là những vụ án khiếu kiện đông người, có tính chất phức tạp, dư luận quan tâm. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án phải bám sát tiến độ giải quyết vụ việc của Thẩm phán và Tòa án ngay từ khi nhận đơn khởi kiện, xem xét đơn khởi kiện, về quyền khởi kiện, xem xét về thẩm quyền, việc thụ lý vụ án (nếu đủ điều kiện). Chú ý xem xét sát sao việc Thẩm phán tiến hành xác minh, thu chập tài liệu, chứng cứ; tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của các bên đương sự; coi trọng việc xem xét thẩm định, đo đạc tài sản tại chỗ trong từng vụ việc cụ thể và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, khiếu nại (nếu có) để đảm bảo quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt chú ý đến vụ việc người bị kiện là Chủ tịch UBND và UBND các cấp.

Bẩy là,Viện kiểm sát tỉnh chủ động phối hợp với Tòa án tỉnh chỉ đạo Viện kiểm sát và Tòa án cấp huyện phối hợp với UBND huyện Lục Nam tổ chức hội nghị chuyên đề liên quan đến việc giải quyết khiếu kiện thuộc Dự án cải, nâng cấp đường tỉnh 293 đi qua địa bàn các xã của huyện Lục Nam và Sơn Động với sự tham gia của các Phòng, Ban cấp huyện, UBND các xã thuộc vùng bị ảnh hưởng của dự án đã đạt kết quả rất tích cực, được dư luận địa phương đồng tình ủng hộ và người dân đồng thuận cao. Qua đó việc giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến dự án trên được nhanh chóng, dứt điểm; làm giảm rõ rệt việc khiếu kiện phức tạp, vượt cấp, đông người tại địa phương

Tám là, đẩy mạnh công tác phối hợp với Thẩm phán và Tòa án để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến trong tỉnh, với các VKS ký quy chế phối hợp, với Trường Đại học Kiểm sát và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát theo kế hoạch.

Trên đây là một số giải pháp rút ra từ thực tiễn trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của TAND hai cấp trong tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả tích cực,nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của Viện KSND tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua./.

Hoàng Đức Trình- Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,700,502
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.59.195.118

    Thư viện ảnh