.

Thứ ba, 30/04/2024 -02:05 AM

Quy định về phân cấp quản lý, tài sản công trong ngành Kiểm sát nhân dân

 | 

Ngày 10 tháng 01 năm 2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 02/QĐ-VKSTC Quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành Kiểm sát nhân dân (thay thế QĐ số 94/QĐ-VKSTC ngày 30/7/2018). Tuy nhiên, qua 10 tháng thực hiện tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang việc vận dụng và áp dụng vẫn còn những nội dung chưa nhất quán, về quy trình, trình tự, thủ tục, biểu mẫu… Để thực hiện tốt, thống nhất quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành Kiểm sát Bắc Giang cần thiết phải cụ thể hóa từng nội dung, quy trình, trình tự, biểu mẫu… cụ thể để các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thuận lợi trong việc áp dụng trong thời gian tới. Dưới đây là một số nội dung mà các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thường gặp:

I. MUA SẮM TÀI SẢN CÔNG TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG LẬP THÀNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ

1. Mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách trung ương

1.1. Đối với mua sắm tài sản công thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung của Ngành

Thực hiện theo Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao về việc phê duyệt danh mục mua sắm tập trung và giao đầu mối đơn vị mua sắm tập trung trong ngành Kiểm sát nhân dân.

1.2. Đối với mua sắm tài sản công có giá trị (nguyên giá theo sổ kế toán) từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản

- Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định mua sắm tài sản công của đơn vị mình, đảm bảo nguyên tắc đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, của Ngành.

- Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định mua sắm tập trung tại tỉnh cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý:

Bước 1: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định việc mua sắm tài sản công hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị mua sắm không phù hợp.

1.3. Đối với mua sắm tài sản công có giá trị (nguyên giá theo số sách kế toán) dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định mua sắm tài sản công của đơn vị mình, đảm bảo nguyên tắc đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, của Ngành.

2. Mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ và nguồn khác

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ tiêu chuẩn, định mức trang bị, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật, của Ngành và nội dung hỗ trợ của ngân sách địa phương để quyết định việc mua sắm tương tự như mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách trung ương.

3. Hồ sơ đề nghị mua sắm và mẫu quyết định mua sắm tài sản công

Thực hiện theo nội dung tại Phụ lục số 01.

II. THU HỒI TÀI SẢN CÔNG

1. Trường hợp đơn vị, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản công tự nguyện trả lại

1.1. Thu hồi tài sản công của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Các đơn vị toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh:

- Đối với tài sản công là ô tô, tài sản khác (không phải là trụ sở làm việc) có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản hoặc tổng giá trị tài sản (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 3.000 triệu đồng trở lên:

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thu hồi gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính).

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thu hồi tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời.

- Đối với tài sản công (trừ ô tô, trụ sở làm việc) có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản: Thủ trưởng đơn vị quyết định thu hồi tài sản công của đơn vị mình và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý; báo cáo kèm theo hồ sơ gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính) theo dõi, quản lý (đối với những tài sản công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản);

1.2. Thu hồi tài sản công của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện:

- Đối với tài sản công có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản: Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi trong nội bộ đơn vị mình đối với những tài sản công tự nguyện trả lại; báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh theo dõi, quản lý;

- Đối với tài sản công (trừ ô tô, trụ sở làm việc) có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản:

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời.

- Đối với tài sản công là ô tô, tài sản khác (không phải là trụ sở làm việc) có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản:

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thẩm tra, có ý kiến bằng văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch-Tài chính).

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thu hồi tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời.

2. Thu hồi tài sản công trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật[1]

Căn cứ kết luận của cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước khác, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công:

- Đối với tài sản công là ô tô, tài sản khác (không phải là trụ sở làm việc) có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản hoặc tổng giá trị tài sản (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 3.000 triệu đồng trở lên: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thu hồi theo thẩm quyền;

- Đối với tài sản công (trừ ô tô, trụ sở làm việc) có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi theo thẩm quyền;

- Đối với tài sản công có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản: Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi trong nội bộ đơn vị mình.

3 Hồ sơ thu hồi tài sản công và mẫu Quyết định thu hồi tài sản công

Thực hiện theo nội dung tại Phụ lục số 04.

III. ĐIỀU CHUYỂN TÀI SẢN CÔNG[2]

1. Điều chuyển tài sản công của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (không bao gồm trụ sở làm việc và xe ô tô thừa tiêu chuẩn, định mức)

- Điều chuyển giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý: Thủ trưởng đơn vị căn cứ tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật và của Ngành, quyết định điều chuyển tài sản công trong nội bộ đơn vị và giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đối với tài sản công đủ điều kiện điều chuyển, đồng thời có báo cáo gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính) để theo dõi quản lý (đối với những tài sản công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản).

- Điều chuyển giữa các đơn vị khác không thuộc phạm vi quản lý và thừa tiêu chuẩn, định mức đối với ô tô:

Bước 1: Đơn vị đề nghị điều chuyển tài sản công lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính).

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định điều chuyển tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị điều chuyển không phù hợp.

2. Điều chuyển tài sản công của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định điều chuyển tài sản công trong nội bộ đơn vị mình đang trực tiếp quản lý, sử dụng; báo cáo gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh theo dõi quản lý.

3. Hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản công và mẫu Quyết định điều chuyển tài sản công

Thực hiện theo nội dung tại Phụ lục số 05.

IV. BÁN TÀI SẢN CÔNG[3](KHÔNG PHẢI LÀ TRỤ SỞ LÀM VIỆC)

1. Bán tài sản công của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

a) Đối với tài sản công (trừ ô tô và tài sản khác chưa đủ điều kiện thanh lý, tài sản có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản)

Thủ trưởng đơn vị quyết định bán tài sản công của đơn vị mình và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đối với những tài sản công đủ điều kiện bán theo quy định của pháp luật, của Ngành, đồng thời gửi hồ sơ về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính) để theo dõi, quản lý.

b) Đối với tài sản công là ô tô và tài sản khác chưa đủ điều kiện thanh lý, tài sản có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính).

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định bán tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị bán tài sản công không phù hợp.

2. Bán tài sản công của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

- Đối với tài sản công có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định bán tài sản công do đơn vị mình trực tiếp quản lý, sử dụng đối với những tài sản công đủ điều kiện bán theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi hồ sơ về Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để theo dõi, quản lý;

- Đối với tài sản công (trừ tài sản là ô tô và tài sản khác chưa đủ điều kiện thanh lý), tài sản có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản:

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định bán tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị bán tài sản công không phù hợp.

- Đối với tài sản công là ô tô và tài sản khác chưa đủ điều kiện thanh lý, tài sản có giá trị (nguyên giá theo sổ sách kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản:

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thẩm tra, có ý kiến bằng văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính).

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định bán tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị bán tài sản công không phù hợp.

3. Tổ chức thực hiện bán tài sản công

3.1. Bán tài sản công theo hình thức đấu giá:

Thực hiện theo Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

3.2. Xử lý tình huống khi bán tài sản theo hình thức đấu giá công không thành:

Thực hiện theo Điều 25 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

3.3. Bán tài sản công theo hình thức niêm yết giá

Thực hiện theo Điều 26 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

3.4. Bán tài sản công theo hình thức chỉ định

Thực hiện theo Điều 27 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Hồ sơ đề nghị bán tài sản, hồ sơ đề nghị bán cho người duy nhất, hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định bán đấu giá và mẫu quyết định bán tài sản công

Thực hiện theo nội dung tại Phụ lục số 06.

V. THANH LÝ TÀI SẢN CÔNG

1. Thanh lý tài sản công của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

Thủ trưởng đơn vị quyết định thanh lý tài sản công của đơn vị mình và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đối với những tài sản công đủ điều kiện thanh lý theo quy định của pháp luật và của Ngành:

Bước 1: Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập Hội đồng thanh lý tài sản công của đơn vị  (Thành phần Hội đồng bao gồm: Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng đơn vị là Chủ tịch Hội đồng; Kế toán; đại diện Thanh tra nhân dân, Công đoàn của đơn vị và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ vào đặc điểm, tính chất của tài sản cần định giá);

Bước 2: Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập Hội đồng xác định giá bán thanh lý tài sản (Thành phần Hội đồng bao gồm: Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng đơn vị là Chủ tịch Hội đồng; Kế toán; đại diện bộ phận chuyên môn về giá của cơ quan tài chính cùng cấp và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ vào đặc điểm, tính chất của tài sản cần định giá), Hội đồng xác định giá bán thanh lý tài sản có trách nhiệm phân tích, đánh giá, xác định giá trị còn lại của tài sản công đủ điều kiện thanh lý theo quy định của pháp luật; hoặc Thủ trưởng đơn vị quyết định thuê cơ quan chuyên môn đánh giá, xác định giá trị còn lại của tài sản công. Căn cứ giá bán thanh lý tài sản được xác định, Thủ trưởng đơn vị quyết định thanh lý.

Bước 3: Tổ chức thanh lý tài sản công theo quy định.

Sau khi hoàn thành việc thanh lý, đơn vị báo cáo gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính) để theo dõi, quản lý (đối với tài sản công là trụ sở làm việc, ô tô và tài sản có giá trị (nguyên giá theo sổ kế toán) từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản).

2. Thanh lý tài sản công của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

a) Đối với tài sản công có giá trị (nguyên giá theo sổ kế toán) dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.

 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dâncấp huyện quyết định thanh lý tài sản công của đơn vị mình đối với những tài sản công đủ điều kiện thanh lý theo quy định của pháp luật; sau khi hoàn thành việc thanh lý, báo cáo Viện kiểm sát nhân dâncấp tỉnh để theo dõi, quản lý.

b) Đối với tài sản công là trụ sở làm việc, ô tô, tài sản khác có giá trị (nguyên giá theo sổ kế toán) từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

Bước 1: Viện kiểm sát nhân dâncấp huyện lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dâncấp tỉnh xem xét quyết định.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị thanh lý không phù hợp.

3. Các hình thức thanh lý tài sản công

3.1. Hình thức phá dỡ, hủy bỏ; vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được xử lý bán

Thực hiện theo Điều 30 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Lưu ý: Việc bán vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được thực hiện theo mục 3.2 dưới đây.

3.2. Hình thức bán

Thực hiện theo Điều 31 Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản công và mẫu quyết định thanh lý tài sản công

Thực hiện theo nội dung tại Phụ lục số 07.

VI. TIÊU HỦY TÀI SẢN CÔNG

1. Tiêu hủy tài sản công của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

Thủ trưởng đơn vị quyết định tiêu hủy tài sản công của đơn vị mình và đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.

2. Tiêu hủy tài sản công của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

Bước 1: Đơn vị lập 01 bộ hồ sơ gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu hủy tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị tiêu hủy không phù hợp.

3. Hồ sơ đề nghị tiêu hủy tài sản công và mẫu quyết định xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

Thực hiện theo nội dung tại Phụ lục số 08.

Tải các phụ lục kèm theo Quyết định số 02/QĐ-VKSTC Quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành Kiểm sát nhân dân ( thay thế QĐ số 94/QĐ-VKSTC ngày 30/7/2018) tại đây./.

Nguyễn Văn Tuấn- VPTH, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,798,295
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.19.30.232

    Thư viện ảnh