.

Thứ bảy, 20/04/2024 -13:21 PM

Bàn về vấn đề kiểm sát viên đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

 | 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tiến hành tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phải thực hiện các thủ tục như: công bố bản cáo trạng, tham gia cùng Hội đồng xét xử xét hỏi những người tham gia tố tụng, người giám định,...xem xét và nhận xét về vật chứng, tài liệu; trình bày lời luận tội và tranh luận tại phiên tòa (trong đó có quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác nhẹ hơn).

Thực tiễn cho thấy, sau khi chuyển hồ sơ vụ án, trong thời gian chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án tiến hành nghiên cứu hồ sơ, nếu có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu chưa đủ căn cứ hoặc có các tình tiết theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự và theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao thì trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo mẫu số 4a, Nghị quyết số 04/2002/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Trường hợp tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Hội đồng xét xử làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới hoặc phức tạp mà không bổ sung được, thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa và ra quyết định  yêu cầu điều tra bổ sung (theo mẫu số 5a Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao). Tuy nhiên, nếu tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì Hội đồng xét xử sẽ xử lý như thế nào? Trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung có nêu ý kiến đề nghị của kiểm sát viên hay không? Điều luật nào quy định về vấn đề này? Hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định nên các Tòa án còn vướng mắc khi áp dụng.

Quan điểm thứ nhất cho rằngSau khi nghe đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án và thảo luận, nếu có căn cứ thì lập biên bản ghi ý kiến của Kiểm sát viên và hoãn phiên tòa, ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.Trường hợp không có căn cứ thì lập biên bản ghi ý kiến của Kiểm sát viên và tuyên bố không chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên và tiếp tục xét xử vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Sau khi nghe đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử vẫn xét xử vụ án bình thường. Trong quá trình xét hỏi và tranh luận, nếu có cơ sở để yêu cầu điều tra bổ sung thì sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận và quyết định hoãn phiên tòa để yêu cầu điều tra bổ sung hay tiếp tục xét xử và tuyên bản án mà không ghi đề nghị của Kiểm sát viên vào biên bản, chỉ căn cứ vào kết quả biểu quyết của Hội đồng xét xử khi nghị án.

Như vậy, đối với quan điểm thứ nhất thì trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên thì sẽ lập biên bản ghi đề nghị của Kiểm sát viên và căn cứ vào các Điều 179, 199 Bộ luật Tố tụng hình sự hoãn phiên tòa và ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung. Trường hợp không chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử vẫn phải lập biên bản nêu rõ lý do không chấp nhận và lưu hồ sơ vụ án.

Đối với quan điểm thứ hai: Do Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về trường hợp Kiểm sát viên đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung mà chỉ quy định thẩm quyền của kiểm sát viên tại phiên tòa là rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn (Điều 195, 221 Bộ luật Tố tụng hình sự) nên Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án bình thường. Tại phần nghị án, sau khi thảo luận, xét thấy có căn cứ để yêu cầu điều tra bổ sung thì Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại Điều 179, 199 Bộ luật Tố tụng hình sự để ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung. Còn nếu không có căn cứ thì vẫn tuyên bản án mà không cần phải ghi ý kiến của kiểm sát viên vào biên bản nghị án. Đề nghị của Kiểm sát viên sẽ được ghi vào biên bản phiên tòa để theo dõi diến biến tại phiên tòa. Tác giả đồng ý theo quan điểm này bởi vì việc lập biên bản việc thảo luận đề nghị của kiểm sát viên là không đúng và không phù hợp vì Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định kiểm sát viên có quyền này tại phiên tòa. Đề nghị đó chỉ được xem là ý kiến của kiểm sát viên và được ghi nhận vào biên bản phiên tòa.

Trên đây là một số quan điểm về việc kiểm sát viên đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Tác giả bài viết mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

Theo toaan.gov.vn

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,701,675
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.234.62

    Thư viện ảnh