.

Thứ tư, 24/04/2024 -21:46 PM

Một số nội dung cần sửa đổi của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

 | 

Việc thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 những năm qua đã đáp ứng phần nào yêu cầu về Cải cách tư pháp và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt nam. Những thành công của việc thực hiện Bộ luật đã khẳng định và nêu cao được trách nhiệm của Nhà nước với công dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ của nhân dân; xác định rõ trách nghiệm của các cơ quan tố tụng, đảm bảo xử lý nhanh gọn, kịp thời hành vi tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; góp phần đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm thắng lợi, giữ vững an ninh, chính trị xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại, cần được xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, chúng tôi thấy cần phải sửa đổi một số nội dung cụ thể như sau:

1.Về những quy định chung:                                                                

- Cần sửa đổi Điều 23 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003(viết tắt là Bộ luật) theo hướng quy định thêm trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng có vi phạm bị Viện kiểm sát phát hiện, kiến nghị phải sửa chữa, khắc phục vi phạm và phải có văn bản tiếp thu gửi cho Viện kiểm sát.

Cần Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính và thẩm quyền tố tụng của lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng. Tăng thêm thẩm quyền đối với chức danh Kiểm sát viên quy định tại Điều 37 của Bộ luật tương xứng với thẩm quyền của Thẩm phán quy định tại Điều 39 của Bộ luật như: có thêm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung…

- Bộ luật cần quy định thêm quyền và nghĩa vụcủa người tham gia tố tụng là người chứng kiến và người đại diện hợp pháp. Cần quy định cụ thể khái niệm: người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tránh sự nhầm lẫn trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này.

- Sửa đổi khoản 2 Điều 57 của Bộ luật như sau: “Trong các trường hợp sau đây, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người đến bào chữa cho bị can, bị cáo:

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự.

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.

2.Về áp dụng các Biện pháp ngăn chặn:

- Cần sửa đổi Điều 80, 88 của Bộ luật quy định chủ thể có quyền áp dụng biện phápngăn chặn tạm giam: ngoài Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án còn quy định thêm Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển.

 - Sửa đổi khoản 2 Điều 94 như sau:“ Đối với những biện pháp do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải do Viện kiểm sát quyết định trừ trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn đã hết mà xét thấy không cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này, thì việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác mà Bộ luật không quy định phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, do Cơ quan điều tra quyết định nhưng phải thông báo ngay choViện kiểm sát biết”.

Sửa đổi Điều 87 của Bộ luật theo hướng: đối với biện pháp ngăn chặn tạm giữ, trong trường hợp gia hạn tạm giữ, khi hết hạn, nếu Cơ quan điều tra không đề nghị thay thế biện pháp ngăn chặn, hay đề nghị gia hạn tạm giữ tiếp hoặc đề nghị chuyển tạm giam, nếu đủ căn cứ Viện kiểm sát có quyền gia hạn tạm giữ.

- Về biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam: trong giai đoạn điều tra cần quy định rõ hơn thẩm quyền của Viện kiểm sát được quyền bắt tạm giam nếu thấy cần thiết.

Bộ luật cần sửa đổi quy định rõ thời hạn của các biện pháp ngăn chặn như: Cấm đi khỏi nơi cư trú, Bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Cần sửa đổi thời hạn tạm giam bằng thời hạn điều tra của vụ án.

3.Giai đoạn khởi tố, điều tra:

Sửa đổi Điều 103 của Bộ luật theo hướng quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển và một số cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết khi tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm cũng như phải kịp thời cung cấp tài liệu xác minh cho Viện kiểm sát trong khi tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.Quy định những biện pháp mà Viện kiểm sát có thể áp dụng nếu phát hiện việc Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo không đảm bảo tính khách quan như Viện kiểm sát trực tiếp thẩm tra xác minh lại các tố giác tin báo về tội phạm.

- Về thời hạn giải quyết tin báoquy định tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật: cần thiết phải tăng thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với một số vụ việc có tính chất phức tạp và khó khăn; có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 4 tháng.

- Nên bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 104Bộ luật về thẩm quyền khởi tố vụ án của Viện kiểm sát. Quy định Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án, khởi tố  bị can như quy định tại Điều 87 của Bộ luật TTHS năm 1988.

- Sửa đổi Bộ luật theo hướng:bãi bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử .        

- Về chế định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại: cần sửa đổi quy định tại khoản 2, Điều 105 Bộ luật, trong trường hợp xác định người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án có bị ép buộc, cưỡng bức hoặc có căn cứ xác định việc rút yêu cầu khởi tố là trái ý muốn của họ, đối với các vụ án xâm phạm thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

- Cần sửa đổi tăng thời hạn xem xet hồ sơ phê chuẩnquyết định khởi tố bị can tại khoản 4 Điều 126 Bộ luật,  từ 03 ngày lên 09 ngày cho Viện kiểm sát đối với các vụ án phức tạp.

- Sửa đổi khoản 1 Điều 127 Bộ luậttheo hướng mở rộng thêm các căn cứ của việc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can.

-Sửa đổi điểm a, khoản1, Điều 111 của Bộ luật quy định: khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển có thẩm quyền:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra trong thời hạn 30 ngày, kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố.

- Sửa đổi bổ sung Điều 121 Bộ luậtquy định thêm thời hạn điều tra trong trường hợp nhập, tách vụ án, khởi tố bổ sung, thay đổi khởi tố theo hướng:

+ Trường hợp nhập vụ án thì thời hạn điều tra vụ án được tính theo tội nặng hơn kể từ khi nhập vụ án và bảo đảm đúng thời hạn điều tra đối với từng tội phạm theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật.

+ Trong trường hợp tách vụ án thì thời hạn điều tra vụ án được tách ra tính từ khi tách vụ án và bảo đảm đúng thời hạn điều tra đối với từng tội phạm theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật

+ Trường hợp đang điều tra vụ án mà lại khởi tố bổ sung về một tội phạm khác thì việc điều tra đối với các hành vi phạm tội trong vụ án được thực nhiện đồng thời và thời hạn điều tra được tính tiếp kể từ khi ra quyết định khởi tố bổ sung đối với tội phạm sau cho đến khi kết thúc điều tra với tất cả các hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật.

+ Trường hợp thay đổi tội danh sang tội khác nặng hơn thời hạn thời hạn điều tra vụ án được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ đi thời hạn đã điều tra trước đó, bảo đảm đúng thời hạn điều tra đối với từng tội phạm theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật.

- Sửa đổi Điều 114 Bộ luật theo hướng: quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát, quy định Cơ quan điều tra bắt buộc phải thực hiện yêu cầu tại khoản 3, Điều 112 của Bộ luật.

4. Các quyết định trong giai đoạn truy tố:

- Đề nghị quy định thêm trong Bộ luậtvề việc: sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản Kết luận điều tra, phát hiện thầy hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã khởi tố mà phạm vào tội khác hoặc còn có thêm hành vi phạm tội khác thì Viện kiểm sát có quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can và truy tố bị can theo tội danh bằng hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố, mà không phải trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

- Đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 162 Bộ luật quy định: Trong thời hạn 6 ngày, kể từ ngày ra bản Kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi bản Kết luận điều tra cho Viện kiểm sát …và sửa khoản 3 Điều 166 Bộ luật quy định: trong thời hạn 6 ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản Cáo trạng thì Viện kiểm sát nhân dân phải gửi hồ sơ và bản Cáo trạng đến Tòa án.

- Cần bổ sung quy định: Viện kiểm sát có quyềnphục hồi vụ án hoặc phục hồi vụ án đối với bị can trong giai đoạn truy tố quy định tại Chương XV của Bộ luật.

5. Giai đoạn xét xử sơ thẩm:

- Sửa đổi khoản 4 Điều 200 Bộ luật: quy định Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.

6. Xét xử phúc thẩm:

Về thời hạn giao bản án: Cần sửa đổi bổ sung Điều 229 Bộ luật “ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án, quyết định cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp..”.

- Về thời hạn kháng nghị: Cần sửa đổi, bổ sung Điều 234 Bộ luât theo hướng: “ Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án”.

- Cần bổ sung Điều 233, Điều 234 Bộ luật:“ Thời hạn kháng nghị trong trường hợp kháng nghị phải gửi theo đường bưu điện  thì ngày kháng nghị được tính vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu phong bì”.

- Về kháng nghị quyết định của Tòa án sơ thẩm: Cần sửa đổi, bổ sung Điều 239 Bộ luật như sau: “Thời hạn kháng nghị được tính kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định của Tòa án”.

Về sửa bản án: Cần sửa Điều 249 Bộ luật, quy định: Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm…. Khoản 3, quy định “ Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị, hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt tù chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giữ nguyên mức hình phạt tù, không cho hưởng án treo”.

7. Về thi hành bản án và quyết định của Tòa án:

- Cần sửa đổi một số quy định của Bộ luật cho phù hợp với Luật thi hành án hình sự tại các Điều 240, Điều 255. Điều 255 Bộ luật cần thiết phải quy định thêm trường hợp những phần của bản án, quyết định sơ thẩm  của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành, thì mới phù hợp với quy định tại Điều 240 Bộ luật.

- Cần sửa đổi khoản 4 Điều 256 Bộ luật quy định về thủ tụcđưa ra thi hành bản án và quyết định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện.

8.Về thủ tục đặc biệt:

-Thủ tục tố tụng với người chưa thành niên: Cần hoàn thiện và nâng cao nội dung quy định tại khoản 1 Điều 302 Bộ luật là: ngoài các tiêu chuẩn chung về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, phẩm chất năng lực … người tiến hành tố tụng với người thành niên còn phải biết tâm lý học, khoa học giáo dục, và đấu tranh phòng chông tội phạm người vị thành niên. Cần phải có lực lượng điều tra, truy tố, và xét xử riêng với nhưng vị thành niên phạm tội.

Cơ sở vật chất: phòng hỏi cung, phòng xử án riêng cho vị thành niên. Không cần vành móng ngựa, có thể cho ngồi để trả lời câu hỏi của Hội đông xét xử; không gian vừa không qúa rộng; thái độ tình cảm, thân mật …nhằm làm cho bị cáo nhận thức hành vi phạm tội là sai, tự giác cải tạo thành người có ích cho xã hội.

- Áp dụng biện pháp ngăn chăn: Cần bổ sung thêm quy định khoản 4 vào Điều 303 Bộ luật: Người từ đủ 14 tuổi đến dười 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp sau:

a) Là bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã

b) Là bị can, bị cáo  được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý  gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy đối với người vị thành niên phạm tội mặc dù không đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 303 Bộ luật nhưng thuộc một trong các trường hợp  quy định tại khoản 4 bổ sung nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể bắt, tạm giữ, tạm giam nếu xét thấy cần thiết.

Đối tượng vị thành niên lang thang, không nơi ở cố định, khi phạm tội không đủ các điều kiện quy định tại Điều 303 của Bộ luật thì không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam mà giao cho Trung tâm giáo dưỡng quản lý trong quá trình tố tụng.

Thái Hưng

( Văn phòng VKSND tối cao)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,752,686
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.17.45

    Thư viện ảnh