.

Thứ tư, 24/04/2024 -16:45 PM

Một số bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo tại chỗ thông qua hình thức tổ chức tòa đàm

 | 

Trong những năm vừa qua công tác đào tạo cán bộ tại chỗ luôn được lãnh đạo Viện KSND huyện Sơn Động quan tâm và chú trọng. Đã có nhiều hình thức trong công tác đào tạo cán bộ được Lãnh đạo đơn vị thực hiện một cách đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là hình thức tổ chức các buổi tọa đàm.

Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm tỉnh lỵ 80 km về phía Đông Bắc; diện tích tự nhiên 844,32 km2 (chiếm 22% diện tích toàn tỉnh). Phía Bắc giáp các huyện Lộc Bình, Đình Lập tỉnh Lạng Sơn; phía Đông và phía Nam giáp các huyện Ba Chẽ, Hoành Bồ và thị xã Uông Bí tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp các huyện Lục Nam, Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Huyện có diện tích 844km2, dân số là 67.000 người. Huyện có hai thị trấn và 17 xã, kinh tế tập trung vào ngành nông nghiệp và lâm nghiệp.Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động là đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang,địa điểm trụ sở ở Khu 3 - thị trấn An Châu - Sơn Động - Bắc Giang, có tổng số 10 cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, bao gồm 08 đồng chí trong biên chế và 02 đồng chí theo hợp đồng 68, trong đó có 01 đồng chí KSV Trung cấp, 03 đồng chíKSV sơ cấp, 01 đồng chí KTV, 02 đồng chí chuyên viên, 01 đồng chí kế toán, 01 đồng chí bảo vệ và 01 đồng chí tạp vụ. Trung bình hàng năm Viện KSND huyện Sơn Động tiếp nhận và kiểm sát thụ lý khoảng 30 vụ án hình sự và 100 vụ việc dân sự. Với khối lượng công việc không nhiều tuy nhiên số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ còn ít, do vậy mỗi cán bộ nghiệp vụ tại đơn vị sẽ phải kiêm nhiệm nhiều khâu công tác khác nhau, đặc biệt số lượng cán bộ trẻ nhiều, trình độ nhận thức còn bị hạn chế, kỹ năng xử lý công việc chưa tốt. Nhận thấy được những khó khăn nêu trên, lãnh đạo đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong công việc của cán bộ, một trong số đó là giải pháp thực hiện công tác đào tạo tại chỗ thông qua hình thức tọa đàm. Cụ thể được thực hiện như sau:

1. Hình thức, thời gian tổ chức, thành phần tham dự

Thông thường đơn vị sẽ tổ chức các buổi tọa đàm bằng 02 hình thức chủ yếu, đó là: Tọa đàm liên ngành và Tọa đàm nội bộ tại đơn vị.

Để không làm ảnh hưởng tới thời gian làm việc của đội ngũ cán bộ nên các buổi tọa đàm sẽ được sắp sếp tổ chức lồng ghép vào sau mỗi buổi họp liên ngành hoặc buổi họp giao ban hàng tuần,tháng tại cơ quan.

Đối với Tọa đàm liên ngành thành phần tham gia có thể đủ từ lãnh đạo đến các cán bộ của các cơ quan tư pháp tại địa phương, còn với hình thức Tọa đàm nội bộ thì thành phần tham dự sẽ bao gồm toàn thể cán bộ làm công tác nghiệp vụ tại đơn vị.

Hình ảnh tại một buổi Tọa đàm tại Viện KSND huyện Sơn Động

2. Nội dung các buổi tọa đàm

Nội dung tài liệu trong các buổi tọa đàm có thể được khai thác từ tài liệu có sẵn do VKSND tối cao đã soạn thảo hoặc tài liệu cũng có thể do lãnh đạo đơn vị trực tiếp soạn thảo thành văn bản (đối với các buổi tọa đàm về kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát). Nội dung các buổi tọa đàm đa dạng phong phú nhưng phải đảm bảo bám sát, phù hợp với thực tiễn xảy ra tại địa phương, có thể là các vấn đề thường xuyên xảy ra trên địa bàn hay áp dụng hoặc ít xảy ra những phải thuộc các trường hợp đặc biệt ví dụ như vấn đề áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.... Trước mỗi buổi tọa đàm tài liệu sẽ được gửi trước cho mọi người để nghiên cứu.

Tọa đàm nội bộ tại đơn vị chỉ nên chọn 1 vấn đề/ 1 buổi để đảm bảo tính tập trung cao, tọa đàm chuyên sâu chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng thực hiện công việc cho các cán bộ trẻ. Do đặc thù các khâu công tác của ngành Kiểm sát luôn có sự thay đổi theo sự biến động của tình hình xã hội nên vấn đề học tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ phải được cập nhật thường xuyên. Các khâu công tác trong của Viện kiểm sát nhân dân mang tính tổng quát của các ngành nên việc hiểu và vận dụng được một lượng kiến thức khổng lồ để áp dụng cho các khâu công tác đạt hiệu quả cao không phải là một điều dễ dàng, nhất là đối với các Kiểm tra viên, Chuyên viên. Do đó, ngoài việc tự học hỏi thì các Kiểm tra viên, Chuyên viên cần phải có sự hướng dẫn, truyền đạt về về kinh nghiệm của Lãnh đạo, Kiểm sát viên, đồng thời luôn luôn khuyến khích sự tranh luận của các cán bộ trẻ trong từng vấn đề để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đồng thời qua đó cũng tích lũy thêm những bài học, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao cho các cán bộ trẻ.

Khác với Tọa đàm nội bộ thì Tọa đàm liên ngành sẽ được tổ chức với số lượng người tham dự lớn, thành phần tham gia có đủ từ các lãnh đạo đến cán bộ của các cơ quan tư pháp tại địa phương, do vậy có thể lựa chọn khoảng 10 vấn đề/1 buổi tọa đàm. Nội dung sẽ chủ yếu tập trung vào việc áp dụng các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng đến các quy định mới được ban hành. Qua đó từ lãnh đạo đến cán bộ đều nắm được nội dung, tinh thần của văn bản pháp luật các cách thực để thực hiện các văn bản pháp luật tại địa phương đảm bảo trong quá trình thực hiện sẽ diễn ra đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan liên ngành tư pháp.           

3. Cách thức tổ chức buổi tọa đàm

Trong các buổi tọa đàm chủ trì tọa đàm phải đảm bảo được không khí của buổi tọa đàm sôi nổi nhiệt tình, phát huy dân chủ và bình đẳng ý kiến của mọi cá nhân, không áp đặt ý chí, chê bai, phê bình những ý kiến chưa chính xác...

Đặc biệt người chủ trì phải luôn luôn đảm bảo nguyên tắc khuyến khích cán bộ trẻ, cán bộ mới vào ngành phát biểu trước, rồi sau đó đến đội ngũ cán bộ đã có kinh nghiệm làm lâu năm phát biểu ý kiến, cuối cùng mới đến lãnh đạo tổng hợp các ý kiến và thể hiện quan điểm.

Đối với Tọa đàm liên ngành do số lượng người tham dự nhiều nên cần chú ý từng vấn đề tọa đàm cần được gợi mở thêm hoặc tạm thời đóng lại để đảm bảo được quỹ thời gian.

4. Kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, phương hướng trong thời gian tiếp theo

Với những kinh nghiệm nêu trên trong ba năm vừa qua (2017-2019) đơn vị Viện KSND huyện Sơn Động đã tổ chức được khoảng 30 buổi buổi tọa đàm với hơn 400 lượt người tham dự, không chỉ trong phạm vi đơn vị mà còn phối hợp cùng các cơ quan liên ngành tư pháp trên địa bàn huyện Sơn Động. Qua đó, cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc giúp cho hoạt động trong đơn vị nói riêng và khối cơ tư pháp nói chung được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được từ công tác tọa đàm những năm vừa qua. Trong năm 2020, với việc xác định một trong các nhiệm vụ đột phá của đơn vị đó là: “Nâng cao chất lượng các bản yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự” đơn vị sẽ tập trung vào chất lượng tổ chức các buổi tọa đàm, đảm bảo hiệu quả thực chất; nội dung được đề cập thông qua các tình huống cụ thể xảy ra trên thực tiễn qua đó cán bộ thể hiện ý kiến, quan điểm trong việc đề ra các yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra đối với các vụ án hình sự.

Trên đây là một số bài học kinh nghiệm công tác đào tạo tại chỗ thông qua hình thức tổ chức tọa đàm tại Viện KSND huyện Sơn Động,rất mong được nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ của các độc giả để hoạt động của đơn vị ngày càng hoàn thiện và đạt hiệu quả cao./.

Nguyễn Tiến Sỹ- Viện KSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,751,809
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.90.141

    Thư viện ảnh