.

Thứ bảy, 20/04/2024 -11:10 AM

Có áp dụng tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm” hay không?

 | 

Nội dung vụ việc: Khoảng 12 giờ ngày 26/5/2020, Nguyễn Văn A điều khiển xe mô tô đến cửa hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị B để mua hồ sơ xin việc. A dựng xe mô tô ở phía trước cửa hàng rồi đi bộ vào bên trong. Thấy bà B ở nhà một mình, trên tay có cầm 01 chiếc túi đựng tiền bằng vải nên A nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bà B đựng bên trong túi vải. Lợi dụng lúc bà B đang lấy tiền trả lại, A dùng tay giật mạnh túi tiền bà B đang cầm trên tay rồi cầm theo túi tiền vừa chiếm đoạt được của bà B chạy ra xe mô tô, nổ máy tăng ga định bỏ chạy. Khi bị A giật túi tiền và bỏ chạy, bà B đuổi theo sau, vừa đuổi theo vừa hô hoán. Khi A tăng ga xe mô tô định bỏ chạy thì bà B đuổi kịp, cầm vào phía sau xe mô tô của A kéo lại. Do A đang tăng ga xe mô tô làm bà B bị ngã, kéo lê một đoạn khoảng 2 mét, B cũng ngã nằm ra đường, tiền trong túi vải rơi ra đất. A đứng dậy, nhặt tiền rơi trên mặt đất và đưa cả tiền cùng túi trả lại bà A. Cùng lúc này người dân chạy đến bắt giữ A và báo lực lượng Công an đến lập biên bản phạm tội quả tang. Về xử lý đối với hành vi của Nguyễn Văn A, có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: A điều khiển xe mô tô đi cướp giật tài sản, sau khi chiếm đoạt được tài sản, đã ngồi lên xe nổ máy, tăng ga để nhanh chóng bỏ chạy, bà B cầm vào phía sau kéo lại nhưng do lúc này A đang tăng ga nên đã làm bà B bị ngã, kéo lê khoảng 02 mét. Việc A sử dụng xe mô tô làm phương tiện phạm tội là dùng thủ đoạn nguy hiểm nên Nguyễn Văn A chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 BLHS.

Quan điểm thứ hai: Theo hướng dẫn chi tiết tại tiểu mục 5.3 mục 5 Phần I Thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về tình tiết "sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác" hoặc "dùng thủ đoạn nguy hiểm" là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy… Trong tình huống trên thì A không sử dụng xe mô tô khi cướp giật tài sản của bà B (A dựng xe mô tô ở phía trước cửa hàng) và khi A cướp giật tài sản của bà B, bà B cũng không đang sử dụng xe mô tô. Khi A điều khiển xe mô tô tăng ga định bỏ chạy, thấy bà B cầm vào phía sau xe mô tô kéo lại và bị ngã, A đã ngay lập tức dừng xe lại, không tiếp tục bỏ chạy và trả lại tài sản cho bà B. Do đó, A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 171 BLHS.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thùy Trang- VKSND huyện Việt Yên

           

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,701,240
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.31.240

    Thư viện ảnh