.

Thứ năm, 25/04/2024 -01:10 AM

Một số dạng vi phạm, thiếu sót Tòa án thường mắc phải khi giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và án hành chính

 | 

1. Vi phạm về thẩm quyền giải quyết:

Tại Chương III Phần thứ nhất Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ LTTDS) đã quy định về những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; thẩm quyền của Tòa án các cấp.

Một số Tòa án cấp huyện đã thực hiện không đúng các quy định nêu trên. Có vụ việc đương sự khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng Tòa án lại đình chỉ giải quyết vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc ngược lại việc đương sự khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng Tòa án lại thụ lý giải quyết. Có vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh nhưng Tòa án cấp huyện lại thụ lý giải quyết dẫn đến bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy để giải quyết lại; hủy và đình chỉ giải quyết.

2. Vi phạm trong việc giải quyết không hết, không đúng hoặc giải quyết ngoài phạm vi khởi kiện của đương sự, vượt quá thẩm quyền của Tòa án.

Theo quy định tại Điều 5 Bộ LTTDS, Điều 8 Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC) Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Có một số vụ án Tòa án thực hiện không đúng quy định này. Không thụ lý hết yêu cầu của đương sự; giải quyết không hết, không đúng hoặc giải quyết ngoài phạm vi khởi kiện của đương sự, vượt quá thẩm quyền của Tòa án; không đình chỉ giải quyết yêu cầu đương sự đã rút dẫn đến việc Tòa phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm hoặc hủy một phần bản án, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa sơ thẩm giải quyết lại vụ án hoặc phải sửa bản án sơ thẩm.  

3. Vi phạm trong việc không đưa đầy đủ những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng.

Bộ LTTDS, Luật TTHC đã quy định về người tham gia tố tụng, trong đó quy định rõ về nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Việc xác định đúng, đủ tư cách tham gia tố tụng của người người tham gia tố tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án bởi mỗi người tham gia tố tụng có một tư cách tố tụng riêng biệt và tương ứng với đó là các quyền và nghĩa vụ mà BLTTDS, LTTHC đã quy định cho họ. Trường hợp xác định sai tư cách tham gia tố tụng hoặc đưa thiếu người tham gia tố tụng trong vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của họ, làm họ không có điều kiện để thực hiện các quyền nghĩa vụ tụng của mình. Dẫn đến việc làm sai lệch bản chất vụ việc, đây được coi là một vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án.

4. Vi phạm trong việc chấp hành trình tự thủ tục thu thập chứng cứ hoặc không thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ:

Theo quy định của BLTTDS; Luật TTHC thì trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ. Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ như: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; uỷ thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc...

Năm 2019 một số vụ án Toà án cấp sơ thẩm giải quyết khi chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ; hoặc trình tự thủ tục thu thập chứng cứ không đúng dẫn đến giải quyết vụ án sai pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, phải hủy bản án sơ thẩm.

5. Vi phạm trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ; Phân chia di sản thừa kế, tài sản chung không đúng, không công bằng:

Khi giải qyết vụ án Tòa án phải xem xét, nhận định đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Phân chia di sản thừa kế, tài sản chung phải đảm bảo đúng pháp luật, công bằng.

Tòa phúc thẩm đã sửa nhiều bản án do Tòa án có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không khách quan, không công bằng dẫn đến giải quyết vụ án sai pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự.

Khi giải quyết một số vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Tòa án thường hay có vi phạm, thiếu sót trong việc áp dụng sai mức lãi suất, thời gian tính lãi dẫn đến việc xác định sai số tiền đương sự phải trả, Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa  bản án.

6. Vi phạm trong việc tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, không có sơ đồ kèm theo bản án, gây khó khăn cho việc thi hành án.

Khi giải quyết các vụ án tranh chấp QSDĐ, phân chia tài sản là QSDĐ một số Tòa án không xác định cụ thể vị trí, kích thước các cạnh tiếp giáp, diện tích đất, ban hành bản án không có sơ đồ kèm theo hoặc sơ đồ không phù hợp với quyết định của bản án là tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án sau này, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án hoặc sửa bản án.

7. Tuyên không đúng nghĩa vụ của người phải thi hành án phải chịu nếu chậm thi hành án.

Theo quy định Điều 357 BLDS năm 2015; Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn về quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án. Thì khi Tòa án đã quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Có vụ Tòa án đã không tuyên nghĩa vụ của người chậm thi hành án phải chịu hoặc tuyên người chậm thi hành án phải chịu lãi với mức lãi suất cơ bản là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.

Để thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình kinh doanh thương mại, án hành chính mỗi người cán bộ, Kiểm sát viên được phân công thực hiện khâu công tác này phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, học hỏi; tích lũy, rút kinh nghiệm từ những vụ án bị hủy, sửa để kịp thời phát hiện những vi phạm thiếu sót của Tòa án trong việc giải quyết án. Kiến nghị, yêu cầu Tòa án khắc phục kịp thời hoặc kháng nghị. Góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ án bị hủy, sửa có trách nhiệm của cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát./.

Nguyễn Thị Tuyết- Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,753,204
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.83.150

    Thư viện ảnh