.

Thứ sáu, 19/04/2024 -08:10 AM

Vướng mắc khi giải quyết các vụ án về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”

 | 

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh B xảy ra một số vụ “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tài liệu làm giả chủ yếu là Bằng tốt nghiệp THPT, giấy phép lái xe mô tô, giấy khám sức khỏe, hợp đồng chuyển nhượng xe ô tô. Trong thực tiễn khi giải quyết một số trường hợp cụ thể còn có vướng mắc về việc xác định tội danh và định khung hình phạt.

Thứ nhất, vướng mắc về xác định tội danh:

1. Trường hợp thứ nhất

Ngày 05/10/2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh B bắt quả tang Nguyễn Văn H có hành vi bán 15 tờ giấy khám sức khỏe cho các đối tượng có nhu cầu mục đích để nộp hồ sơ xin việc tại các công ty trong khu công nghiệp với giá 150.000 đồng/01 tờ. Những giấy khám sức khỏe này đều có hình dấu của một bệnh viện đa khoa cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhưng chưa ghi thông tin người khám. H khai đặt mua số giấy khám sức khỏe nêu trên của người không quen biết giao bán trên mạng xã hội với giá 100.000 đồng/01 tờ sau đó bán lại cho người có nhu cầu; người mua tự điền dữ liệu thông tin cá nhân theo ý muốn. H khai biết những giấy khám sức khỏe đó là giả nhưng không biết làm giả bằng cách nào và cũng không chỉnh sửa hay điền thông tin gì lên giấy khám sức khỏe đó. Kết quả giám định xác định hình dấu trên 15 tờ giấy khám sức khỏe bị thu giữ là giả được làm bằng phương pháp in phun màu. Xác định tội danh đối với trường hợp này có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Hành vi Nguyễn Văn H là phạm tội “Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Vì H không trực tiếp làm giả giấy khám sức khỏe, không điền thông tin cá nhân trên giấy khám sức khỏe mà chỉ mua về để bán lại nhằm thu lợi bất chính; thời điểm bị phát hiện thì việc làm giả tài liệu đã hoàn thành trước đó.

Quan điểm thứ hai: Cần định tội danh của Nguyễn Văn H là “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Vì mặc dù H không trực tiếp làm giả giấy khám sức khỏe và không xác định được người bán nhưng H biết rõ giấy khám sức khỏe được làm giả và mua về để bán lại là giúp sức cho việc làm giả.

2. Trường hợp thứ hai

Nguyễn Ngọc A biết Nguyễn Văn T có nhiều xe máy không có giấy tờ hợp pháp (xe không có biển kiểm soát, không có đăng ký xe) nên bán với giá rẻ. Từ tháng 3/2019, A mua của T tổng số 03 xe máy với giá 16.000.000 đồng. Khi mua bán, A được T nói nguồn gốc những xe này là có thể do người khác trộm cắp đem đến cắm rồi bỏ lại. Sau khi mua 03 xe máy trên, A liên lạc địa chỉ Facebook của đối tượng (không xác định được tên và địa chỉ cụ thể) đặt làm biển số, đăng ký xe giả sau đó lắp vào những xe đã mua để A và người thân trong gia đình sử dụng làm phương tiện đi lại. A khai biết những chiếc xe này nguồn gốc bất hợp pháp có thể do trộm cắp nhưng do ham rẻ nên vẫn mua về để sử dụng đi lại. Quá trình sử dụng xe, A chưa bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện xử lý. Kết quả xác minh xác định đây là vật chứng các vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kết quả giám định xác định biển số, đăng ký xe đã thu giữ là giả. Cơ quan điều tra đã khởi tố A về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, vấn đề xử lý hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Ngoài hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” đã bị khởi tố thì cần khởi tố bổ sung đối với A về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Bởi lẽ, A có hành vi mua đăng ký xe máy và  biển số xe để hợp thức hóa xe đã mua, biết rõ là được làm giả nhưng vẫn thực hiện và thực tế đã sử dụng để tham gia giao thông.

Quan điểm thứ hai: A chỉ phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.Bởi lẽ: A biết những xe này nguồn gốc bất hợp pháp nhưng do ham rẻ nên vẫn mua, mục đích để A và người thân sử dụng làm phương tiện đi lại; việc mua đăng ký xe máy và  biển số giả nhằm che giấu việc tiêu thụ tài sản bất hợp pháp, đây là chứng cứ chứng minh ý thức của A biết những xe máy đã mua là tài sản do người khác phạm tội mà có; A chưa sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật nên chưa đủ căn cứ để khởi tố về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Thứ hai, vướng mắc về xác định khoản của Điều luật:

1. Trường hợp thứ nhất

Khoản 2 và Khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự quy định:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

c, Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên.

Trong vụ án nêu trên, tài liệu giả đều là 15 giấy khám sức khỏe giả của một bệnh viện nhưng việc xác định mỗi giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu giả hay tất cả giấy là một tài liệu giả thì vẫn có các quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Tất cả các giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu vì các giấy tờ giả đó giống nhau (chỉ khác nhau về thông tin người khám và thực tế những tài liệu này do bị phát hiện và thu giữ nên người mua chưa điền thông tin cá nhân). Do vậy, H chỉ phạm tội  theo khoản 1 Điều 341 BLHS.

Quan điểm thứ hai: Cần xác định mỗi giấy khám sức khỏe giả là một tài liệu giả nên hành vi của H phải bị xử lý theo khoản 3 Điều 341 BLHS.

2. Trường hợp thứ hai

Dương Văn T nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt chiếc xe ô tô trị giá 780.000.000 đồng của Nguyễn Văn A nên chủ động thuê người khác làm giả đăng ký xe ô tô đứng tên T là chủ sở hữu. Ngày 13/7/2019, T thuê xe của A bằng hình thức thuê xe tự lái. Ngay sau khi thuê được xe, T sử dụng đăng ký xe ô tô làm giả rồi bán xe ô tô cho người khác được550.000.000 đồng sử dụng chi tiêu cá nhân. Kết quả giám định xác định đăng ký xe ô tô thu giữ là giả được làm bằng phương pháp in phun màu. Cơ quan điều tra đã khởi tố Dương Văn T về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”theo các Điều 174 và 341 Bộ luật hình sự.

Trong vụ án nêu trên, các Cơ quan tiến hành tố tụng đều thống nhất xử lý T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS vì tài sản chiếm đoạt trị giá 780.000.000 đồng. Tuy nhiên, việc xử lý T về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”theo Khoản nào của Điều 341 Bộ luật hình sự vẫn còn chưa thống nhất.

Khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.

Khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự quy định: “ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

b, Sử dụng tài liệu giả thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Quan điểm thứ nhất: Cần xử lýT về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”theo Khoản 1 Điều 341 BLHS vì T chỉ làm giả đăng ký xe ô tô là một loại tài liệu giả và phải làm giả giấy đăng ký xe thì mới thực hiện được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quan điểm thứ hai: T chủ động đặt mua đăng ký xe ô tô giả nhằmthực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; do T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý T theo điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự.

Theo đồng chí thì giải quyết các tình huống nêu trên như thế nào, tại sao. Mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp./.

Nguyễn Địch Binh- Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,693,305
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.143.17.128

    Thư viện ảnh