.

Thứ năm, 25/04/2024 -13:51 PM

Phản hồi bài viết “Bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”

 | 

Sau khi đọc bài viết “Trao đổi về bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” của tác giả Lê Đình Tuấn đăng trên trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 08/5/2019, tôi xin có ý kiến trao đổi như sau:

>>> Trao đổi về bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Trước hết, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng quá trình thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đem lại những bất cập, ảnh hưởng đến quá trình, tiến độ thi hành án dân sự cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những bên được thi hành án khác, đặc biệt là người lao động yếu thế. Tuy nhiên, tại tình huống mà tác giả đưa ra, theo các bản án và các quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án thì Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và đầu tư TH phải trả nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt nam Chi nhánh BIDV Bắc Giang số tiền 16 tỷ đồng (gồm cả nợ gốc và lãi suất chậm thi hành án); phải trả tiền nợ lương công nhân 316 triệu đồng; trả các khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của 141 lao động số tiền 2,5 tỷ đồng; ngoài ra công ty còn phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khác với tổng số tiền 13 tỷ đồng. Tài sản công ty TH thế chấp để vay tiền của ngân hàng BIDV Bắc Giang (là nhà xưởng, máy móc…) bán đấu giá thành thu được số tiền là 14 tỷ đồng; tài sản không nằm trong danh mục thế chấp, bán đấu giá thành thu được số tiền là 39 triệu đồng. Như vậy, Ngân hàng BIDV là bên được thi hành án đồng thời là bên nhận thế chấp, việc ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng theo Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 mặc dù gây bất lợi cho người lao động nhưng lại bảo đảm lợi ích của bên nhận thế chấp và phát huy ý nghĩa của quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật dân sự và các văn bản liên quan. Trên thực tế, quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14 là không mới, trước khi có Nghị quyết 42/2017/QH14, nội dung này đã được quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án dân sự “trường hợp xử lý tài sản cẩm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảm đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê bên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm…”. Do đó, liên quan đến công tác thi hành án dân sự, quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14 là thống nhất với quy định tại Luật thi hành án dân sự, Bộ luật dân sự hiện hành.

Thứ hai, cũng cần xem xét đến việc các tài sản không nằm trong danh mục thế chấp, bán đấu giá thành thu được số tiền là 39 triệu đồng. Số tiền 39 triệu đồng này có nằm trong số tiền được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng không? do luật chỉ quy định “tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp” hay “tiền thu được từ việc xử lý tài sản của khoản nợ xấu” mới được ưu tiên thanh toán cho bên nhận thế chấp hoặc tổ chức tín dụng. Do đó, theo quan điểm của tôi, nếu các tài sản không nằm trong danh mục thế chấp mà không gắn liền, có thể tách rời với tài sản thế chấp thì số tiền xử lý các tài sản này phải thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật thi hành án dân sự cho những người được thi hành án khác.

Thứ ba, một trong những bất cập khi thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14 còn được thể hiện trong quy định tại Điều 11 Nghị quyết này. Tại Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định về kê biên tài sản của người phải thi hành án như sau: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”. Như vậy, quy định này đã hạn chế quyền của Chấp hành viên trong việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án, cụ thể: khi Ngân hàng đã xác định khoản nợ xấu thì đương nhiên quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ này thuộc quyền quyết định của Ngân hàng, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ. Quá trình xử lý nợ xấu của Ngân hàng thường mất nhiều thời gian, dẫn đến hồ sơ thi hành án dân sự cũng tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người được thi hành án khác trong trường hợp có nhiều người được thi hành án.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thùy Trang- VKSND huyện Việt Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,757,214
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.131.72

    Thư viện ảnh