.

Thứ năm, 25/04/2024 -18:44 PM

Một số vấn đề về thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát

 | 

Quyền kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Theo đó, quyền kiến nghị được VKSND thực hiện khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọngkhông thuộc trường hợp kháng nghị thì VKSND phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Khi nhận được kiến nghị của VKSND cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Theo điểm c, khoản 3, Điều 4 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định:

Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

c, Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.”

Như vậy, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định cụ thể khi nào thì VKSND ban hành kiến nghị, đó là khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm và xử lý nghiêmminh người vi phạm pháp luật; còn khi phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ngoài ra, trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014, tại các mục quy định về từng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND đều được điều luật quy định cụ thể về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát, như Điều 15 quy định về kiến nghị trong kiểm sát điều tra vụ án hình sự; Điều 17 quy định về kiến nghị trong kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; Điều 19 quy định về kiến nghị trong kiểm sát xét xử vụ án hình sự;  Điều 22 và Điều 25 quy định về kiến nghị trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Điều 27 quy định về kiến nghị trong kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự…; Điều 28 quy định về kiến nghị trong kiểm sát thi hành án dân sự; Điều 30 quy định về kiến nghị trong kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Để cụ thể hóa chế định kiến nghị trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thì tại các đạo luật về tư pháp được ban hành sau này, đều quy định cụ thể về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát như: tại các Điều 6, 160, 166, 237, 267 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 25 Luật tố tụng hành chính năm 2015; Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 141 Luật thi hành án hình sự năm 2010; Điều 25 Luật thi hành án dân sự năm 2014; Điều 6, 42, 43 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.

Trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014 cũng đã quy định các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong Luật lại không quy định cụ thể thời gian bao nhiêu ngày, các cơ quan, tổ chức cá nhân này có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị cho VKSND. Trong các đạo luật về tư pháp, có một số đạo luật có quy định cụ thể, có đạo luật không quy định cụ thể hoặc quy định không thống nhất về thời gian mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiến nghị phải trả lời cho VKSND, cụ thể:

Trong BLTTHS năm 2015: Tại Điều 6 quy định về phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội có nêu: “Cơ quan, tổ chức phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị, cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tố tụng”.

Tại khoản 2 Điều 237 BLTTHS quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố có nêu: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị quy định tại điểm a và điểm b Điều này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị cho VKS”.

Trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015: Tại Điều 43 quy định về trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND nêu: “4. Kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho VKSND trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị”.

Việc Luật Tổ chức VKSND năm 2014 không quy định cụ thể thời hạn này và trong các đạo luật về tư pháp quy định không thống nhất về thời gian các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời cho VKSND khi nhận được kiến nghị đã gây khó khăn cho VKSND khi thực hiện. Mặt khác, cần ban hành mẫu kiến nghị để áp dụng thống nhất trong toàn ngành nhằm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các bản kiến nghị./.

Phùng Anh Tuấn- Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,758,527
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.219.166

    Thư viện ảnh