.

Thứ năm, 25/04/2024 -13:16 PM

Vướng mắc trong việc thực hiện khoản 5 Điều 65 BLHS

 | 

Tại khoản 5 Điều 65BLHS về án treo quy định: Trong thi gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

Và tại Điều 10 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định:  

“Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.”

Bộ luật hình sự 2015 đã quy định chặt chẽ đối với án treo, buộc người được hưởng án treo phải chấp hành tốt trong thời gian thử thách, nếu vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên là bị buộc đi chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Căn cứ vào Điều 64 Luật thi hành án hình sự thì thấy nghĩa vụ của người được hưởng án treo gồm:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

2. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.

3. Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.

4. Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.

Người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ sẽ bị UBND xã, phường, thị trấn lập biên bản về vi phạm nghĩa vụ chấp hành án theo mẫu PK14 của Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 07/9/2011 và thực hiện việc kiểm điểm người được hưởng án treo theo quy định tại Điều 67 Luật thi hành án hình sự (được tính là vi phạm nghĩa vụ lần thứ nhất).

Không những bị lập biên bản về vi phạm nghĩa vụ thì người được hưởng án treo còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị định 167/NĐ-CP ngày 12/11/2013:

“.4. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đối với một trong những hành vi sau đây:... c) Người bị phạt tù cho hưởng án treo, người bị án phạt cải tạo không giam giữ mà không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục mà không có lý do chính đáng hoặc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã;”

Nhưng trong thực tiễn thì xảy ra trường hợp người được hưởng án treo đã bỏ đi khỏi địa phương ngay sau khi xét xử sơ thẩm (gia đình không biết bị án ở đâu). Dẫn đến ngay từ ngày nhận hồ sơ án treo từ Cơ quan thi hành án hình sự thì UBND xã, phường, thị trấn đã có sự lúng túng không biết thiết lập hồ sơ như thế nào, có nơi còn lập báo cáo và trả lại hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự và để lập hồ sơ hay lập biên bản vi phạm nghĩa vụ lần thứ 2 đối với bị án treo đã bỏ đi này thì mỗi UBND xã, phường, thị trấn hiểu khác nhau và lúng túng về cách thức thực hiện. Tại Nghị quyết số 02 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng không có điều luật nào hướng dẫn cụ thể cách giải quyết đối với trường hợp bị án treo bỏ đi này.

Ngoài ra, Điều 11 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa quy định về việc Viện kiểm sát tiếp cận hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cơ quan thi hành án hình sự, hồ sơ chỉ giao đến Tòa án nhưng lại quy định Viện kiểm sát lại phát biểu ý kiến tại cuộc họp (quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 của Nghị quyết).

Đề nghị Liên ngành trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc và có cơ chế thực hiện chung./.

Thân Mạnh Thắng- VKSND huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,757,090
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.189.170.17

    Thư viện ảnh